Xã hội

Phú Thọ: Đưa cây ớt vượt biên

Hoàng Hiền 23/08/2023 - 16:08

(TN&MT) - Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm nâng cao giá trị canh tác là phương thức quan trọng để tạo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Tại Phú Thọ, phong trào chuyển đổi cây trồng được triển khai mạnh mẽ tại nhiều nơi. Đặc biệt, với việc phát triển loại cây gia vị đặc trưng, nhiều huyện tại Phú Thọ đang từng bước vươn lên, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Yên Lập vươn lên nhờ… ớt

Với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 15,2% tương đương 3.819 hộ, hộ cận nghèo còn 2.381 hộ, tương đương 9,5%. những năm qua, huyện Yên Lập đã căn cứ tình hình thực tế, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.

ot77-16770217012392074768921-1-0-539-860-crop-16770221483151255230935.jpg
Người dân Phú Thọ đang thu hoạch ớt

Năm 2021, xã Xuân Viên (huyện Yên Lập) đã đưa vào trồng thí điểm 1ha giống ớt lai Hàn Quốc. Qua quá trình trồng thí điểm cho thấy cây ớt lai là cây có năng suất và giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Từ đó, xã đã tuyên truyền, vận động bà con nông dân cùng tham gia trồng ớt. Tận dụng những mảnh đất màu, chân ruộng cao hạn, bà con tiến hành trồng trên 3ha giống ớt lai Hàn Quốc. Cây bén rễ và sinh trưởng tốt, những "quả đỏ" đầu tiên cho thu hoạch đều và ổn định. Giống ớt lai Hàn Quốc đạt năng suất tương đối cao, gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa, nếu trong quá trình chăm sóc đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, giống ớt này có thể cho thu hoạch khoảng hơn 1 tấn quả tươi/sào trong gần 6 tháng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Viên Đinh Nguyên Hóa cho biết: Dự kiến, năng suất giống cây ớt lai Hàn Quốc đạt trên 1 tấn/sào. Xã dự kiến sẽ mở rộng diện tích, sau đó liên kết với HTX bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với giá thu mua ổn định, giúp bà con nông dân yên tâm về đầu ra cũng như giá cả.

Tương tự xã Xuân Viên, tại Hưng Long - xã miền núi của huyện Yên Lập, đời sống của người dân lâu nay vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chủ yếu là trồng chè, trồng rừng, các loại cây lương thực ngắn ngày... mang lại hiệu quả kinh tế không cao, nay nhờ giống ớt F20, Hưng Long đã đổi thay diện mạo.

Hưng Long hiện là xã có diện tích trồng ớt giống F20 xuất khẩu lớn nhất huyện. Với năng suất từ 1,5 - 2 tấn/sào cho lợi nhuận 8 triệu đồng, gấp 8 - 10 lần trồng lúa, giống ớt này trở thành thế mạnh của địa phương, giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu. Được biết, cây ớt giống F20 được đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích 3 sào tại khu Thiện 2 hồi đầu năm 2019 và được đánh giá có hiệu quả cao. Để đảm bảo đạt chất lượng sản phẩm, các hộ tham gia trồng ớt đều được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất an toàn từ khâu làm đất, chăm sóc, chu kỳ thu hái... Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, sản phẩm ớt F20 xuất khẩu luôn đảm bảo chất lượng, an toàn về môi trường, đứng vững trên thị trường.

Cùng với thế mạnh trồng ớt xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp ở Hưng Long giờ đã đổi mới nhiều so với trước. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt được người dân áp dụng hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định, giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Một số mô hình có thể kể đến như: Mô hình nuôi gà lấy trứng, mỗi mô hình nuôi từ 1 - 2 vạn gà đẻ với doanh thu từ 20 - 30 triệu đồng/ngày/mô hình; Mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu với thu nhập đạt khoảng 7 triệu đồng/sào... Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,65%, hộ cận nghèo còn 1,1%.

ot-1-1677021700486461063956.jpg
Ớt xuất khẩu cho năng suất cao và chất lượng tốt

Hiện nay mô hình trồng ớt xuất khẩu được huyện Yên Lập triển khai một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện, cây ớt đã đem lại giá trị thu nhập cao cho bà con nông dân. Trước triển vọng từ phát triển ớt xuất khẩu, Yên Lập tiếp tục chỉ đạo cho xã, thị trấn khuyến khích người nông dân bám nắm thị trường tiêu thụ có thể mở rộng diện tích trồng ớt trên địa bàn, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho bà con nông dân, từng bước giúp người dân thoát nghèo bền vững tại địa phương.

Cây "hái ra tiền" tại Cẩm Khê

Trồng ớt xuất khẩu cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, thịt quả dày và luôn bán được giá. Mô hình trồng ớt đang làm đổi thay cuộc sống của người nông dân tại huyện Cẩm Khê. Chính vì lẽ đó, người dân nơi đây luôn nói vui với nhau rằng, cây ớt chính là cây "hái ra tiền".

Theo UBND xã Minh Tân, sau thời gian đầu thu hoạch, cây ớt đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, năng suất ớt trung bình đạt 1,2 - 1,5 tấn/sào. Với giá ớt loại 1 là 8.000 đồng/kg, loại 2 là 4.000 đồng/kg, cho thu lãi từ 7 - 8 triệu đồng/sào. Tính ra, người nông dân trồng ớt sẽ lãi gấp 4 - 5 lần so với cây trồng cây truyền thống khác. Cây ớt còn mang lại nguồn thu liên tục cho bà con khi cây cho thu hoạch thành nhiều đợt. Theo đó, từ khi trồng đến khi thu hoạch, hái ớt quả lần đầu là 60 ngày. Sau đó, cứ cách 10 ngày, bà con lại thu hái ớt một lần nữa. Bà con nông dân nơi đây càng yên tâm hơn khi đầu ra sản phẩm ớt thương phẩm luôn được thu mua đảm bảo giá cả. Bên cạnh đó, các hộ dân tham gia trồng ớt xuất khẩu còn được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha theo Nghị quyết số 08/NQ-HU của Huyện ủy Cẩm Khê về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

nguoi-dan-phu-tho-thu-hoach-ot.jpg

Tại xã Hưng Việt, nhiều diện tích trồng hoa màu đang được người dân chuyển đổi sang trồng ớt xuất khẩu. Vụ Đông 2022, Tổ liên kết sản xuất trồng ớt Minh Tiến đã phối hợp với công ty GOC (trụ sở ở Bắc Giang) vận động, khuyến khích người dân đưa cây ớt Zopezo vào trồng, để phục vụ xuất khẩu sang Mỹ. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật như chuẩn bị đất, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây ớt… trước khi tiến hành gieo trồng.

Anh Phạm Văn Mùi - Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất trồng ớt Minh Tiến, cũng là hộ gia đình đi đầu trong mô hình trồng ớt xuất khẩu cho biết, lúc đầu khi mới quyết định tham gia trồng cũng khá e ngại vì không biết trồng ra sao, kỹ thuật trồng ớt, cách phòng trừ sâu bệnh thế nào và liệu cây ớt có thích nghi với đồng đất địa phương hay không… Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của Công ty GOC, nhận thấy đây là giống cây mới, phù hợp với chất đất ở địa phương, đầu ra của sản phẩm ổn định nên anh quyết định chuyển đổi diện tích trồng màu trước đây sang trồng ớt.

Trong những năm gần đây, không chỉ tại Yên Lập, Cẩm Khê, nhiều huyện tại Phú Thọ luôn duy trì việc trồng ớt xuất khẩu, các diện tích ớt được mở rộng và duy trì hàng năm. Người dân Phú Thọ đã dần nhận thấy những lợi thế mà cây ớt mang lại so với cây trồng truyền thống: So với trồng lúa thì trồng ớt xuất khẩu thu lãi gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, cây ớt lại cho thu hoạch làm nhiều đợt, trồng ớt không tốn công chăm sóc như cây lúa; sản phẩm lại được các công ty bao tiêu toàn bộ nên người nông dân rất yên tâm. Nếu thời tiết thuận lợi, người nông dân thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật, năng suất quả có thể đạt trên 1 tấn/sào.

trong-ot-1-093835.jpg
Giống ớt Zopero được trồng bằng phương pháp trồng trên màng phủ nông nghiệp.

Hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình trồng ớt xuất khẩu đã được khẳng định dựa vào thực tế ở địa bàn nhiều huyện của Phú Thọ. Trước triển vọng của việc trồng ớt xuất khẩu, nhiều huyện đang tiếp tục có kế hoạch mở rộng diện tích trồng ớt, tăng số hộ tham gia, nhờ đó gia tăng thu nhập và tạo thêm việc làm tại địa phương cho bà con nông dân. Mô hình thành công và tiếp tục được triển khai mở rộng còn khẳng định hướng đi đúng đắn trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp và người nông dân - một xu hướng của sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Có thể nói, với những ưu điểm và lợi thế của cây ớt mang lại, đây chính là hướng đi mới để người dân tăng thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hoàng Hiền