Bắt lúa sai bông nơi lòng chảo Điện Biên
(TN&MT) - Nông dân ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, ai cũng biết đến chàng trai trẻ Quản Bá Tới (SN 1988) là kĩ sư ngành nông nghiệp có công đưa phương pháp mới vào sản xuất gieo trồng lúa nước, giúp cho hàng trăm nông dân tại huyện Điện Biên có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức lao động, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Từ ấp ủ tìm giải pháp thoát nghèo…
Chớm thu nắng vàng như trải mật, cánh đồng Mường Thanh bây giờ đương thì con gái. Chàng thanh niên dáng người cao, gày, hoạt ngôn, nhanh nhẹn sắn quần qua gối đi thăm đồng. Chúng tôi đứng bên bờ thửa chờ rất lâu. Chàng thanh niên ấy chốc chốc lại nhổ một nhánh lúa lên bóc lõn xem xét, rồi lại chỉ vào đám lúa xanh mướt ấy nói gì đó với những người nông dân. Rồi lại lội ra giữa ruộng lúa lá có màu đốm vàng, đứng giữa ruộng chỉ trỏ… Những người nông dân cũng cuối xuống xem lúa dưới chân rồi gật đầu. Một hồi lâu thì cùng nhau lên bờ, tiến lại phía chúng tôi, nói: Xin lỗi các chị. Để các chị chờ lâu. Đám lúa kia đang bị bệnh đạo ôn… nên em cùng bà con bàn cách trị bệnh, chứ để lâu lây lan cả cánh đồng.
Quản Bá Tới, chàng thanh niên có dáng người gày, cao nhỏ và đôi mắt rất sáng đưa tay về hướng chúng tôi bắt tay giật giật. Chúng tôi đón Tới từ chân ruộng và cùng chạy xe về khu bãi Tới chuyên để làm mạ khay. Chúng tôi được Quản Bá Tới chia sẻ, anh vốn dĩ sinh ra trong gia đình thuần nông tại thôn Bãi Màu, xã Thanh Yên. Từ nhỏ anh đã theo bố mẹ đi làm nông, cấy lúa nước trên thửa ruộng của gia đình. Giữa mùa vụ, những người thân trong gia đình anh còn đi cấy đổi công cho bà con trong xã và các xã lân cận. Tuy thế cuộc sống của gia đình Tới vẫn rất nghèo, kinh tế vô cùng bấp bênh.
Khi lớn một chút và được học hành đầy đủ, Tới đã dần nhận ra, việc làm nông, cụ thể là gieo trồng lúa nước theo lối truyền thống chính là nguyên nhân khiến gia đình anh không thể thoát nghèo. Bởi khi gieo mạ cấy lúa bằng tay trên những diện tích ruộng đã khiến người nông dân tốn sức lao động mà lại cho năng xuất, chất lượng không cao.
Từ những nhận định đó, năm 2017, sau khi học chuyên nghiệp xong, ra trường trở về quê hương Tới đã thành lập HTX dịch vụ tổng hợp xã Thanh Yên, với ước mơ tìm cách thay đổi phương thức gieo trồng cũ, đưa kĩ thuật lao động mới vào sản xuất, để mở hướng thoát nghèo bền vững cho bà con nông dân của xã, trong đó có gia đình anh.
Với mong ước đó, Tới tiếp tục vừa đi làm, vừa đi học tại Đại học Nông nghiệp 1 (TP. Hà Nội). Đến năm 2019, khi tốt nghiệp ĐH với chuyên ngành kĩ sư nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt, Tới bắt tay ngay vào nghiên cứu phương thức gieo cấy lúa nước bằng máy, thay cho cách gieo cấy bằng tay đã tồn tại nhiều thế hệ làm ruộng của người dân quê mình.
Tới chia sẻ: “Việc gieo cấy lúa bằng máy đã được nông dân một số địa phương trong nước triển khai thành công mà nông dân Điện Biên chưa biết áp dụng, bao mồ hôi đổ xuống ruộng đồng mà thành quả lao động đạt được lại không tương xứng. Do đó, tôi đã nghiên cứu mô hình và hoàn thiện quy trình kĩ thuật gieo trồng bằng phương pháp mới, áp dụng cơ giới hóa lúa cấy, chuyển giao từ gieo sạ, cấy lúa bằng tay sang gieo sạ, cấy lúa bằng máy. Phương thức mới này không chỉ giúp giải phóng sức lao động, mà còn giúp cây lúa được trồng ngay ngắn, đều hàng, khả năng quang hợp, sinh trưởng tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm”.
Từ kinh nghiệm học hỏi được và tiền vốn của thành viên, HTX của anh đã đầu tư máy cấy lúa công suất lớn và bắt đầu đưa vào thử nghiệm mô hình cấy lúa, gieo sạ bằng máy trên diện tích vài ha, với các giống lúa như: bắc thơm số 7, Hana 112, sén cù, gạo nứt đen… tại xã Thanh Yên.
Qua thử nghiệm mô hình thực tế Tới còn nhận thấy, một máy cấy lúa công suất nhỏ phù hợp với diện tích ruộng của hộ nông dân có thể cấy tối đa 4ha/ngày; giúp bà con giảm 50% kinh phí mua lúa giống tương đương 15-20 triệu đồng/ha; giảm 30% phân bón, 2-3 lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; giảm đổ gãy, phòng trừ cỏ... cho lúa so với phương thức truyền thống. Đồng thời, tạo độ sâu đồng nhất khi cấy, độ bám cao giúp cây tăng trưởng mạnh.
“Ưu điểm của việc cấy lúa, gieo mạ bằng máy không chỉ giúp người nông dân bớt đi nỗi vất vả, mà còn tạo ra tính chủ động trong thời vụ cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu; khiến nông dân chủ động lựa chọn được cây giống tốt nhất” – Tới chia sẻ.
…Đến chuyển giao phương pháp cho nhiều nông dân khác
Từ những mô hình triển khai thành công, phương pháp cấy lúa bằng máy của Tới được bà con nông dân trong xã Thanh Yên đánh giá cao và nhiệt tình hưởng ứng. Tới bắt đầu được chính quyền địa phương tin tưởng mời hỗ trợ, tấp huấn kiến thức, hướng dẫn cách làm và chuyển giao kĩ thuật cho bà con các xã lân cận, để áp dụng trên diện tích lúa toàn huyện Điện Biên.
Tuy nhiên việc triển khai rộng rãi mô hình không hề đơn giản. Tới tâm sự: “Cũng phải mất 3 năm sau khi triển khai, tôi mới cơ bản hoàn thiện về tổng thể kĩ thuật để chuyển giao phương pháp cho bà con một cách hiệu quả nhất. Lý do là ban đầu tôi chưa có kinh nghiệm nên cũng có lúc thất bại, phải làm đi làm lại nhiều lần. Ví như khi gieo mạ vào khay do mật độ dày, mạ sinh trưởng không tốt, đến khi gieo không đều… khiến năng suất, chất lượng thấp. Hoặc việc nghiên cứu dự báo thời tiết của tôi chưa sát, mặc dù có máy gieo cấy rất chủ động nhưng chỉ cần triển khai vào dịp thời tiết không thuận lợi cũng là ảnh hưởng nặng nề tới quy trình và chất lượng sản phẩm…” – Tới cho biết.
Vừa bắt tay vào làm, vừa nghiên cứu và tích lũy thêm kinh nghiệm, đến năm 2021, quy trình trồng lúa theo phương pháp mới của Tới mới đạt hiệu quả cao và bắt đầu được triển khai đồng loạt tại các địa phương trong huyện Điện Biên. Bà con các xã sau khi được chuyển giao phương pháp, kĩ thuật gieo cấy bằng máy đã mạnh dạn đầu tư mua sắm cho gia đình những chiếc máy cấy công suất vừa và nhỏ để làm nông. Mô hình của chàng trai 8X cũng được nhân rộng từ hơn 30ha tại xã Thanh Yên lên đến 500ha toàn huyện Điện Biên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên cho biết: “Lúc đầu người dân còn e ngại khi áp dụng máy cấy vào sản xuất bởi đây là công nghệ hoàn toàn mới, lạ lẫm đối với người dân. Tuy nhiên, chỉ sau 2 vụ lúa hiệu quả, 100% thành viên HTX đã sử dụng máy cấy sản xuất lúa 2 vụ. Cũng từ khi cấy lúa bằng máy, không chỉ sức khỏe bà con nông dân được cải thiện mà đời sống kinh tế cũng dần nâng lên. Vậy là nhờ có phương pháp mới do đồng chí Tới triển khai, hướng dẫn, nhiều gia đình nông dân trong xã tôi đã thoát nghèo thành công”.
Đến nay, sau nhiều vụ lúa áp dụng công nghệ cấy máy mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với phương pháp gieo thẳng truyền thống, nông dân huyện Điện Biên tích cực sử dụng máy cấy vào sản xuất lúa 2 vụ, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó nâng cao lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.
Vụ đông xuân năm 2023, huyện Điện Biên gieo cấy trên 4.100ha. Trong đó, diện tích áp dụng máy cấy là 494,37ha, tăng gần 300ha so với năm 2022. Hiện nay, toàn huyện đã có gần 150 chiếc máy cấy.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Điện Biên, phương pháp gieo cấy lúa bằng máy mang lại nhiều lợi ích, đó là: Cơ bản giải quyết tình trạng lúa lẫn (khử tạp trên 90%); chống đổ cho cây lúa tốt; giảm trên 40% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với phương pháp cũ; giải phóng sức lao động, nhất là khâu tỉa giặm và phun thuốc trừ cỏ. Đặc biệt, năng suất, sản lượng lúa cao và ổn định hơn so với phương pháp gieo thẳng. Hiện nay, trung bình 1ha lúa áp dụng máy cấy có thể thu từ 63 - 80 triệu đồng, tùy theo từng loại giống, lãi thuần đạt từ 30 - 47,5 triệu đồng/ha. Do không sử dụng thuốc trừ cỏ, giá thóc bán ra cao hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, tỷ lệ gạo đạt 70%.
Ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cũng nhận định: Việc ứng dụng công nghệ mạ khay, máy cấy lúa bằng máy là một bước tiến quan trọng trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp gắn với sản xuất 5 cùng. Từ hiệu quả do cá nhân ở huyện Điện Biên chúng tôi triển khai, việc áp dụng máy cấy vào sản xuất đã và đang được thử nghiệm, nhân rộng vào sản xuất lúa 2 vụ ra các địa phương trong tỉnh như: Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ; thậm trí vươn tới các tỉnh Bắc Lào (nước CHDCND Lào). Chúng tôi đã cử đồng chí Tới trực tiếp đi chuyển giao kĩ thuật cho bà con các địa phương đó.
Hiện nay, với vai trò là Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp xã Thanh Yên, chàng thanh niên trẻ 35 tuổi Quản Bá Tới vẫn miệt mài nghiên cứu với những khay mạ, giống lúa và máy cấy trên cánh đồng quê hương. Cho chúng tôi xem những bức ảnh đi chuyển giao phương pháp kĩ thuật, hướng dẫn bà con các tỉnh Bắc Lào gieo cấy bằng máy, Tới càng phấn khởi hơn khi biết đến nay nhiều bà con nay đã áp dụng thành công phương pháp mà anh hướng dẫn, đem lại giá trị sản phẩm tốt và nâng cao được đời sống kinh tế gia đình. Còn đối với Tới, anh cho rằng thành công từ sự nghiên cứu, học hỏi không ngừng là điều rất đỗi vinh dự, bởi vinh dự hơn cả là anh đã giúp cho hàng trăm nông dân thoát nghèo bền vững, kinh tế gia đình trở nên khấm khá hơn, trong đó, có cả gia đình nhỏ của chính anh.