Xã hội

Khấm khá nhờ hành lá

Văn Dinh 23/08/2023 - 16:04

(TN&MT) - Hương An ngày mới, bình minh ló rạng trên những con đường bê tông phẳng lì. Xa xa, màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng hành lá phủ khắp cả vùng quê. Từ vùng đất khó, cuộc sống chật vật, người dân ở Hương An đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, biến nơi đây thành “thủ phủ” hành lá của vùng đất Cố đô. Cuộc sống người dân đã sang trang, ấm no hơn, từng bước thoát nghèo bền vững.

Chỉ cách trung tâm TP. Huế khoảng 10 km, nhưng cũng lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại phường Hương An. Nơi đây trước kia thuộc thị xã Hương Trà, vào 2 năm trước, Hương An sáp nhập vào TP. Huế. Dù là phường nhưng bộ mặt đô thị còn khá đơn sơ. Nhắc đến vùng đất này, người dân địa phương vô cùng tự hào với hành lá, bởi cây trồng này đã trở thành thương hiệu.

Quay về quá khứ, bà con kể rằng, hồi đó cũng như nhiều làng quê trên khắp cả nước, hàng trăm hecta đất ở Hương An được người nông dân trồng cây lúa nước là chủ yếu, nhưng hiệu quả kinh tế thấp khiến ai ai cũng nản chí. Cũng chính vì thế, diện tích đất bỏ hoang ngày càng gia tăng, cái nghèo đeo bám dai dẵng, rất nhiều người đã rời bỏ quê, đi nơi khác lập nghiệp.

hue-1.jpg
Những “cánh đồng” hành lá tại Hương An

Từ chỗ độc canh cây lúa, để Hương An từng bước đổi thay, lãnh đạo xã trăn trở, tìm nhiều cách và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bước ngoặt đến từ giai đoạn những năm 2000 - 2005, diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chính quyền vận động người dân chuyển sang trồng hành lá. Thực tế chứng minh đây là hướng đi rất đúng, bà con nông dân đang nỗ lực làm giàu trên chính quê hương.

Dưới tia nắng sớm của mùa hè, những giọt sương mai long lanh hòa quyện với chút nắng vẫn còn vương trên lá, đi trên những cánh đồng hành, người nông dân đang tất bật nhổ cỏ, tươi tiêu, bón phân, xới đất… với hi vọng sẽ có thêm một mùa màng bội thu.

Bà Phan Thị S. (thôn Cổ Bưu) nay đã trên 60 tuổi những vẫn “đam mê” với hành lá. Bà cho biết, trước đây gia đình trồng lúa và đậu, sau đó đã chuyển qua gắn bó với hành lá khoảng 10 năm.

“Từ ngày qua trồng hành, khác lắm, khấm khá hẳn, đời sống đi lên. Nhà tôi có 2 hecta đất trồng hành. Nếu thuận lợi về năng suất và giá cả, chỉ cần 1 luống hành đã có thể thu nhập cao hơn 1 sào trồng lúa rồi. 1 luống hành chính vụ có thể thu đến 2 triệu đồng, trong khi đó 1 sào lúa mới được khoảng 1,5 triệu chứ mấy. Mỗi năm nhà tôi thu về cả trăm triệu, có tiền cho con cháu ăn học, cái nghèo không còn, dư dã hơn”, bà S. nói.

hue-2.jpg
Bà con nông dân đã gắn bó với cây hành lá nhiều năm

Cạnh nhà bà S., ông Phan Danh tiếp lời: “Theo tiêu chuẩn VietGap, cứ 45 ngày thu hoạch hành 1 lần (1 vụ có 3 lần thu hoạch), bình quân 1 sào cho thu hoạch trên 1 tấn/năm, 4 sào sẽ cho gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng. Hàng ngày thương lái đến mua tại vườn liên tục nên thu nhập khá, ổn định. Bà con trồng hành ai cũng rất vui”.

Khó khăn về nguồn nước đã được chính quyền giải quyết ngay từ những ngày đầu, hệ thống kênh mương dẫn nước đã được tu sửa, mở rộng đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng nước đến các ruộng hành của bà con. Sâu bệnh lâu nay vốn là nỗi lo của người nông dân, tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ từ phía các kỹ sư nông nghiệp của Trường đại học Nông lâm Huế, thiệt hại do sâu bệnh đã được kiểm soát.

Theo người dân địa phương, việc phát triển hành lá ở Hương An nhờ sự hỗ trợ lớn từ HTX Nông nghiệp Hương An. Tìm đến HTX, giám đốc là ông Hồ Phước Đoàn niềm nở đón tiếp.

Nhâm nhi ly trà đá, ông Đoàn chia sẻ rằng, trước khi chưa chuyển sang trồng hành lá, người dân chỉ dựa vào cây lúa, ngô, khoai sắn. Hộ nghèo ở địa phương lên đến 30%. Chính nhờ sự linh động, sáng tạo của Đảng bộ xã và nay là phường, ban hành nghị quyết về chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cùng sự cần cù sáng tạo của người của người dân Hương An, đến nay, đời sống người dân đã phát triển vượt bậc, thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững, hộ nghèo chỉ còn 31 hộ (chiếm 1,84%). Hương An có 7 tổ dân phố gồm Thanh Chữ, Cổ Bưu, Bồn Phổ, An Lưu, Bồn Trì, An Vân, An Hòa, và tất cả bà con đều gắn với cây hành lá dù ít hay nhiều về diện tích, trung bình mỗi hộ gia đình trồng từ 2 - 3 sào.

hue-3.jpg
Hành lá giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững

Trong những năm qua, HTX đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng cho phát triển nông nghiệp sạch, bước đầu đã hình thành mô hình sản xuất cây hành lá an toàn với 16,5 hecta VietGap, 176 hộ tham gia sản xuất. Ngoài ra, có rất nhiều hộ nhỏ lẻ cũng trồng hành lá nên chưa thể có số lượng cụ thể về diện tích, nhưng ước tính cũng khoảng trên 60 hecta. Trồng hành đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, hàng ngày xuất ra thị trường từ 10 - 12 tấn hành, mỗi năm hàng ngàn tấn, đi các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình…, trở thành “thủ phủ” hành lá của Thừa Thiên – Huế.

“Người dân đã có 20 năm trồng hành nên kinh nghiệm của bà con trong chăm sóc loại cây này là rất tốt. Năm 2022, sản lượng hành lá cao nhất từ trước đến nay, 1 hecta thu khoảng 950 triệu/ năm. Tổng thu cả năm ước đạt 50 tỷ đồng. Năm 2023 đang rất ổn định, bình quân 6 tháng đầu năm 1kg/16.000 đồng, chuẩn bị thu hoạch chính vụ. Nhờ cây hành, nhiều hộ gia đình trong phường đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện đi lại và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt. Trên 90% nhà ở của nhân dân được xây dựng kiên cố và tầng hóa, 100% hộ gia đình có xe máy, chất lượng cuộc sống của người dân liên tục được nâng cao, giảm nghèo bền vững…”, ông Đoàn nói.

Cũng theo ông Đoàn, thời gian tới HTX sẽ sử dụng có hiệu quả về đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, có cơ chế chính sách khuyến khích, chú trọng cây hành lá truyền thống chủ lực, phát huy tính lợi thế từng vùng thâm canh.

Rời Hương An, xe băng qua đường tránh Huế, sát cạnh bên đường vẫn là những cánh đồng hành lá đập vào mắt, cây lá tươi xanh. Trước khi chia tay, tôi nói đùa với bà con Hương An rằng, “Hương An có nghĩa là nhờ hương thơm cây hành mà bà con an tâm đó”. Nghe xong, ai cũng cười tươi. Mong người dân nơi đây sẽ sớm giàu có bền vững nhờ nỗ lực sản xuất trên chính quê hương.

Văn Dinh