Đổi thay ở "vương quốc" cây cảnh miền Tây
Trở lại huyện Chợ Lách hôm nay không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng quê, với những con đường bê tông trải dài theo từng xóm ấp, hai bên đường phủ đầy hoa thơm, xanh mát, cùng những ngôi nhà kiên cố được xây dựng khang trang, bề thế... Đó chính là những thành quả từ sự nỗ lực, chung tay thực hiện có hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới của xứ sở được mệnh danh “vương quốc” cây giống, hoa kiểng của tỉnh Bến Tre.
Cách trung tâm TP Bến Tre khoảng hơn 30km, chúng tôi vượt qua những cung đường quanh co, uốn lượn để đến huyện Chợ Lách. Từ lâu, nơi đây đã là địa danh hấp dẫn du khách xa gần bởi vẻ đẹp hiền hòa của một vùng quê thuần chất Nam Bộ. Với riêng tôi, đến Chợ Lách lần này, tôi cũng rất đổi ngỡ ngàng về sự phát triển và sự trù phú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng riêng cho vùng đất này. Nhìn xa xa, với muôn vàn sắc hoa rực rỡ, nó giống như một bức tranh sơn thủy hữu tình tỏa hương thơm ngát cả một vùng quê yên tĩnh.
Một đồng nghiệp đi cùng trông vẻ mặt tươi vui và đầy phấn khởi nói: “Là người con của xứ sở này, nên tôi biết rõ về nơi đây đã thay đổi từng ngày. Trước kia, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng qua hơn chục năm chung sức, chung lòng, cùng nhau xây dựng nông thôn mới nên đã thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội của địa phương có bứt phá đáng kể”. Theo anh bạn, giá trị sản xuất của mỗi hec-ta đất với mô hình cây giống, hoa kiểng hiện nay lên đến tiền tỷ, tăng cao so với nhiều năm trước. Hơn nữa, ngày nay địa phương đã xây dựng hoàn thiện các công trình cầu, đường, trường, trạm, và quan trọng vẫn là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng được khắc phục.
Quả thực, trong câu chuyện làm giàu, có nguồn thu nhập tiền tỉ mỗi năm đã trở nên phổ biến với người dân vùng này. Đi sâu tìm hiểu, nhiều người dân nơi đây cho rằng, làm giàu hiện nay không khó nếu có ý chí, sự quyết tâm trong lao động, nhất là mô hình làm cây giống thương phẩm. Theo họ, mấy năm nay, giá cây giống có cao hơn mọi năm lên đến vài mươi phần trăm, số lượng đầu ra cũng khá tốt. Bởi vậy, người làm cây giống thu lợi nhuận cao từ đó, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 100 trăm đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Để hiểu rõ hơn, qua lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi được tiếp xúc với các lãnh đạo huyện Chợ Lách. Mở đầu câu chuyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Đức vui vẻ cho biết, Chợ Lách là huyện nông nghiệp với hơn 75% dân số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã không ngừng phấn đấu khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, điều hành linh hoạt, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng xã, huyện nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Theo đó, kinh tế tăng trưởng khá vượt bật. Năm qua, tốc độ tăng về giá trị sản xuất là 11,4%, diện mạo nông thôn thật sự đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đến nay ước đạt 64 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Bên cạnh, các mô hình kinh tế tập thể như: tổ hợp tác, hợp tác xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo thêm được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Đặc biệt là chất lượng môi trường sống được cải thiện với nhiều công trình như: công trình cấp nước sạch tập trung; các tuyến đường văn minh, các tuyến đường xanh – sạch – sáng; cùng với việc xây dựng hố thu gom, phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình do các đoàn thể nhân dân phát động được thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, tích cực, đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống người dân.
Còn khi được hỏi về công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho hay, trong thời gian qua, các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn phát triển du lịch đã phát sinh các vấn đề về môi trường trong nông nghiệp, như: người dân sử dụng nhiều phân thuốc bảo vệ thực vật, chất thải bao bì bảo vệ thực vật sau khi sử dụng chưa được thu gom xử lý theo quy định. Ước tính trên địa bàn huyện phát sinh trung bình khoảng 3,5 tấn/năm bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Nhắc đến con số này, ông Phạm Anh Linh tỏ ra lo lắng: “Nếu không có giải pháp quản lý, xử lý chất thải tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh”. Tuy vậy, ông nói rằng, để nâng cao nhận thức và hành động cụ thể bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, Chợ Lách đã và đang tập trung công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, tổ chức triển khai mô hình lưu giữ bao bì bảo vệ thực vật sau khi sử dụng và triển khai mô hình hố rác gia đình 3 ngăn. Việc làm này, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực, tham gia rộng rãi của người dân địa phương.
Chúng tôi hỏi: “Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ gì để bảo vệ môi trường, thưa ông”? Chủ tịch Phạm Anh Linh cho biết, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý bao bì thuốc sau khi sử dụng theo đúng hướng dẫn các ngành chức năng; cũng như nâng cao nhận thức, từng bước nâng cao trách nhiệm của người dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Giờ đây, xứ sở “vương quốc” cây giống, hoa kiểng của Bến Tre như được khoác lên mình chiếc áo mới, bộ mặt nông thôn đã từng bước đổi thay. Phát huy thành quả đạt được và trên bước đường xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao, Chợ Lách đang chú trọng việc phát triển kinh tế, triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và tăng cường làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, các cấp, các ngành và địa phương cũng đang dồn sức tập trung xây dựng “Trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng Chợ Lách” trở thành nơi sản xuất cây giống, hoa kiểng quy mô quốc gia; đồng thời triển khai thực hiện Đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách… Rồi đây, khi mà các chương trình, dự án trọng điểm được thực hiện thành công, quê hương Chợ Lách sẽ chuyển mình mạnh mẽ, để sớm trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.