Biến đổi khí hậu tạo áp lực thúc đẩy xanh hóa nền kinh tế
(TN&MT) - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động đến mọi mặt đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội, gia tăng chi phí khắc phục thiệt hại thiên tai, gây áp lực không nhỏ với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn La. Xây dựng, nhân rộng các mô hình thích ứng BĐKH, phát triển kinh tế xanh là mục tiêu địa phương đang chú trọng triển khai.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La.
PV: Xin bà cho biết những tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh Sơn La những năm qua?
Bà Lê Thị Thu Hằng: Dưới tác động của BĐKH, những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp theo chiều hướng cực đoan, trái quy luật, tần suất lớn, cục bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Giai đoạn 2017 - 2022, thiên tai đã làm 67 người thiệt mạng, 78 người bị thương, hơn 700 nhà sập đổ, hơn 2.200 nhà phải di dời… Cùng với đó, BĐKH gây thiệt hại gần 1.000ha lúa, hoa màu, hàng nghìn con gia súc, gia cầm... của người dân mỗi năm.
Ngoài ra, các hiện tượng sương muối, băng giá, mưa đá, hạn hán cũng tác động không nhỏ đến sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, làm suy giảm diện tích, chất lượng rừng, suy giảm đa dạng sinh học..., ảnh hưởng mục tiêu giảm nghèo bền vững.
PV: Chủ động thích ứng BĐKH, Sơn La đã và đang triển khai các giải pháp trọng tâm nào, thưa bà?
Bà Lê Thị Thu Hằng: Giảm thiểu, thích nghi BĐKH, Sơn La đã chú trọng phát triển các mô hình kinh tế xanh - công nghiệp xanh - đô thị xanh - nông thôn xanh. Từng bước triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, tăng khả năng thích ứng BĐKH. Đến nay, toàn tỉnh có 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hơn 900ha cây trồng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; 53ha nhà lưới, nhà kính; gần 6.000ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương…
Nhiều mô hình doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ dân trong sản xuất gắn với chế biến nông sản hoạt động hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho người dân như: Công ty CP Mía đường Sơn La ký kết sản xuất, tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê cho 12.000 hộ; Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với hơn 400 hộ chăn nuôi, hàng trăm hộ trồng ngô phục vụ Nhà máy TMR...
Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH, với Mô hình trồng rau, quả sạch của HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu; Mô hình trồng trọt của HTX Quý Huy, huyện Mai Sơn; Mô hình cây dược liệu của HTX sản xuất, chiết xuất tinh dầu dược liệu, dịch vụ nông lâm nghiệp Mường La... Các mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu tại các huyện Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Sông Mã, Yên Châu... góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.
Kế hoạch triển khai Chiến lược Quốc gia về BĐKH trên địa bàn tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu, đến năm 2030, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thích ứng thông minh với BĐKH; phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững. Tỷ lệ che phủ rừng đạt ổn định 50%; 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; di dời 70% các hộ ở khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Với khu vực chưa thể di dời, lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Trong sản xuất công nghiệp và xây dựng, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn để giảm phát thải khí nhà kính. Nhà máy sản xuất tinh bột sắn đã ứng dụng công nghệ trong tách lọc tinh bột để giảm lượng nước; sấy tinh bột bằng khí biogas được thu hồi, tái sử dụng từ hệ thống xử lý nước thải, giảm lượng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất. Trong chăn nuôi, công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học được sử dụng để xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ. Hiện, toàn tỉnh có 25 dự án được Ban Chấp hành quốc tế về Cơ chế phát triển sạch (EB) đăng ký là dự án CDM, 8 dự án được cấp Chứng chỉ giảm phát khải khí nhà kính được chứng nhận (CER).
Bên cạnh đó, đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, các dự án thành phần để triển khai giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý rừng bền vững.
PV: Quá trình triển khai ứng phó BĐKH, theo bà, còn những khó khăn, hạn chế nào cần khắc phục?
Bà Lê Thị Thu Hằng: BĐKH mới chỉ được coi là nguy cơ mà chưa được nghiên cứu đánh giá theo hướng là cơ hội thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững. Việc lồng ghép các vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH trong đề án phát triển khoa học công nghệ chưa thống nhất thành chương trình tổng thể, mà nằm rải rác ở các đề tài, dự án khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Đây là lĩnh vực mới, tác động đến đa ngành, đa lĩnh vực, trong khi nguồn cán bộ chuyên trách, được đào tạo chuyên sâu của địa phương còn thiếu. Nguồn lực tài chính phân bổ triển khai thực hiện các chương trình, dự án dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
PV: Xin bà cho biết những định hướng trọng tâm mà Sơn La đang hướng tới nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, thiệt hại do BĐKH, nhất là với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số?
Bà Lê Thị Thu Hằng: Thời gian tới, Sơn La tiếp tục kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường. Tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu, cạnh tranh của nền kinh tế. Đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên; bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.
Lồng ghép sản xuất nông nghiệp, nông thôn với phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó BĐKH. Tiếp tục nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân vùng thiên tai. Chủ động di dời, sắp xếp dân cư vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Quản lý tốt diện tích rừng hiện có, ưu tiên phát triển cây ăn quả trên đất dốc, cây lâm nghiệp đa mục tiêu, cây lâm sản ngoài gỗ. Phát triển, nhân rộng các mô hình thích ứng BĐKH dựa trên hệ sinh thái (EbA), dựa vào cộng đồng (CbA) và dựa vào tự nhiên (NbS).
PV: Trân trọng cảm ơn bà!