Bạn đọc - Pháp luật

Dự án “đô thị xanh” ở Thừa Thiên – Huế: Phê bình nhiều nhà thầu thi công chậm

Văn Dinh 21/08/2023 - 15:05

(TN&MT) - Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế phê bình và yêu cầu cần có các biện pháp xử lý “mạnh tay” đối với các đơn vị nhà thầu thi công ì ạch, cố tình làm chậm tiến độ các gói thầu thuộc dự án “đô thị xanh”.

Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (SDCP II - các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên - Huế nhằm mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông, giảm ngập lụt và tạo mỹ quan đô thị cho TP. Huế, do Sở KH&ĐT tỉnh làm chủ đầu tư, gồm 10 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách địa phương gần 264 tỉ đồng, còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự án triển khai 54 tiểu dự án trên địa bàn 19 phường thuộc TP. Huế, ảnh hưởng 2.972 hộ gia đình/tổ chức, trong đó 2.140 hộ ảnh hưởng về đất và 832 hộ ảnh hưởng về tài sản. Các gói thầu bắt đầu thực hiện tháng 9/2021, dự kiến kết thúc tháng 9/2024. Đến nay chỉ có 2 gói thầu hoàn thành, đưa vào sử dụng; 8 gói thầu khác vẫn thi công dở dang.

1.jpg
Nhiều gói thầu thuộc dự án “đô thị xanh” ở Huế thi công chậm tiến độ

Đơn cử như công trình cầu Kim Long (phường Kim Long, TP. Huế), thuộc gói thầu số 37 (HU-CW08). Theo Ban Quản lý dự án, tiến độ triển khai thi công diễn ra quá chậm so với kế hoạch nhà thầu đã cam kết. Nhà thầu vẫn chưa có động thái tích cực triển khai thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình. Theo báo cáo, đến nay cầu Kim Long đã thi công cọc khoan nhồi mố cầu, đang triển khai thi công tường chắn phía thượng lưu cầu.

Cách đây ít ngày, kiểm tra gói thầu này, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần có các biện pháp xử lý “mạnh tay” với các đơn vị nhà thầu cố tình làm chậm tiến độ thi công, ảnh hưởng chung tiến độ dự án. Ông Minh đề nghị nhà thầu khẩn trương huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để triển khai thi công và đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công việc như tường chắn gia cố tứ nón, bệ mố thượng, hạ lưu cầu Kim Long. Nếu nhà thầu không có động thái triển khai, tiếp tục “chây ỳ”, không thực hiện các điều khoản chung của thỏa thuận hợp đồng, hồ sơ dự thầu, thì Ban Quản lý dự án báo cáo UBND tỉnh để chấm dứt hợp đồng. Các chi phí phát sinh do việc chậm triển khai của nhà thầu sẽ do nhà thầu chi trả.

3.jpg
Việc thi công chậm các gói thầu đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Tại gói thầu số 24 (HU-CW03) bao gồm hệ thống thoát nước và vỉa hè 16 tuyến đường ở 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba đang gặp nhiều vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Hoàng Hải Minh cũng vừa có mặt tại hiện trường và yêu cầu nhà thầu là Công ty CP Xây dựng và thương mại 299 cầu tập trung thi công theo hình thức “cuốn chiếu”, nơi nào có mặt bằng sạch thì làm trước. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị UBND TP. Huế, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế và Ban Quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cam kết thời gian cụ thể hoàn thành.

“Sắp bước vào mùa mưa nên thời gian thuận lợi để thi công không còn nhiều, đề nghị chủ đầu tư phải tập trung, tận dụng thời gian từ nay đến cuối tháng 9/2023, tăng ca tăng kíp, có thể thi công cả ban đêm để đẩy nhanh tiến độ dự án. Quá trình thi công phải quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, không để khói bụi, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông Minh yêu cầu.

Cũng theo ghi nhận của PV, một số gói thầu khác như gói thầu số 39 (ký hiệu HU – CW10) xây lắp tuyến đường Tố Hữu và tuyến đường Võ Nguyên Giáp (phần nâng cao độ) và di dời trạm biến áp; gói thầu số 28 (ký hiệu HU-CW07) nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ; gói thầu số 27 (ký hiệu HU-CW06) đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa… cũng đang thi công “chậm như rùa”.

2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra dự án, phê bình nhiều nhà thầu

Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, có hai nguyên nhân chính khiến các gói thầu thi công chậm là vướng công tác giải phóng mặt bằng và trượt giá đối với nguyên vật liệu đầu vào khiến nhà thầu gặp khó khăn.

“Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức các buổi họp Ban chỉ đạo dự án để giải quyết các vướng mắc kịp thời; đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai. Đồng thời, đề nghị nhà thầu khẩn trương huy động bổ sung đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công bù vào khối lượng đã trễ. Tăng cường cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng nội bộ vật tư, vật liệu, nghiệm thu công việc, kiểm tra, kiểm soát khối lượng các đợt nghiệm thu thanh toán...”, ông Sơn nói.

Trước đó, Báo TN&MT cũng đã từng phản ánh việc hàng loạt gói thầu thuộc dự án các đô thị xanh thi công “rùa bò”, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của rất nhiều người dân địa phương, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của TP. Huế…

Văn Dinh