Môi trường

Ứng phó với mùa mưa bão: Thái Nguyên sớm số hóa các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét

Mai Đan 21/08/2023 - 10:46

(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ sạt lở ở một số nơi, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, đồng thời nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, để kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, suối.

Tập trung phòng chống, giảm thiệt hại do sạt lở, lũ quét

Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 đợt thiên tai, làm 3 người chết, 1 người bị thương gây thiệt hại về tài sản khoảng 66,6 tỷ đồng. Lượng mưa lớn nhất đo được ngày 23/5/2022 trên địa bàn xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ là 379 mm. Từ đầu năm 2023 đến ngày 5/7, xảy ra 6 đợt thiên tai làm thiệt hại về tài sản khoảng 18 tỷ đồng. Lượng mưa lớn nhất đo được ngày 4/7 trên địa bàn xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa là 198,4 mm.

Thời gian qua, các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giông lốc, ngập úng và sạt lở đất. UBND tỉnh đã chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó với thiên tai; tập trung phát huy vai trò của cộng đồng địa phương với phương châm 4 tại chỗ; thường xuyên kiểm tra, triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu…

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức tập huấn tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai ở các cấp, các đoàn thể.

satlo11-8-2021.jpg
Thái Nguyên cần sớm tổng hợp, số hóa các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét

Đồng thời, chủ động điều chỉnh kế hoạch và bố trí nguồn vốn thực hiện nâng cấp, sửa chữa, khắc phục đối với các công trình phòng, chống thiên tai bị hư hỏng, ưu tiên hồ, đập, đê điều, di chuyển dân cư, khắc phục sạt lở để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ hàng năm.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành hồ chứa và thực hiện nghiêm việc cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành theo quy định và đảm bảo an toàn vùng hạ du khi xả lũ trên địa bàn.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản, cát sỏi lòng sông, nhất là các khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai.

satlo_20230802115544.jpg
Các tỉnh miền Bắc cần lưu ý với diễn biến bão trái quy luật, trong đó có tỉnh Thái Nguyên

Đặc biệt, để ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay và nguy cơ sạt lở ở một số nơi, UBND tỉnh yêu cầu, trước mắt cần khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét như: Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở (nhất là tại các khu vực đã xảy ra sạt lở như Đèo So, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa; cầu Mỏ Bạch, thành phố Thái Nguyên; trường THPT Điềm Thụy, huyện Phú Bình) và các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ có nguy cơ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp... Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng sâu vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo dõi diễn biến thời tiết để lên kế hoạch ứng phó kịp thời

Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai tại Thái Nguyên trong thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường, thành viên Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, các công tác từ chuẩn bị ứng phó đến khắc phục hậu quả thiên tai ở tỉnh Thái Nguyên phù hợp với đặc điểm và diễn biến thiên tai.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, hầu hết các loại thiên tai được liệt kê trong Luật Phòng, chống thiên tai đều có thể xảy ra và đã từng xảy ra ở Thái Nguyên, trong đó đặc biệt lưu ý các loại thiên tai như bão kèm theo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, dông sét cũng là hiện tượng rất đặc thù ở Thái Nguyên, gây thiệt hại về người và tài sản.

Hiện nay, hai loại hình thiên tai xuất hiện nhiều hơn là ngập úng và lũ quét đô thị ở khu công nghiệp, do đặc thù phát triển đô thị, khu công nghiệp ở Thái Nguyên, các loại hình thiên tai này có thể xuất hiện trong thời gian tới. Đồng thời, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, các đường giao thông cũng là loại hình thiên tai nguy hiểm có thể xảy ra trong thời gian tới ở Thái Nguyên.

img_1585.jpg
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường đề nghị tỉnh Thái Nguyên khẩn trương rà soát các công trình cần phải quan trắc khí tượng thủy văn, có lộ trình, kiểm tra, giám sát

El Nino (được dự báo sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2023) thường gây nắng nóng, ít mưa và bão ít hơn, tuy nhiên cường độ mưa có thể rất cao, bão có thể diễn ra trái quy luật (theo quy luật thông thường thì bão diễn ra ở miền Bắc vào đầu mùa, ở phía Nam vào cuối mùa). Do vậy, các tỉnh miền Bắc cần lưu ý với diễn biến trái quy luật này, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.

Dự báo trong thời gian tới, từ nay đến cuối tháng 8, đặc biệt từ ngày 27-30/8, miền Bắc có thể chịu ảnh hưởng của bão/áp thấp nhiệt đới, gây mưa trên diện rộng với lượng mưa tương đối lớn. Do vậy không chỉ riêng Thái Nguyên mà các địa phương trên cả nước cần theo dõi thông tin để sớm có kế hoạch ứng phó.

Để công tác phòng, chống thiên tai tại Thái Nguyên trong thời gian tới ngày càng hiệu quả, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường đề nghị tỉnh khẩn trương rà soát các công trình cần phải quan trắc khí tượng thủy văn, có lộ trình, kiểm tra, giám sát. Ông cho rằng thông tin quan trắc này rất quan trọng, phục vụ ngay tại các công trình và công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước, trong đó địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 2 trạm thủy văn (Gia Bảy và Chã) được đưa vào danh sách này. Tuy nhiên một số trạm quan trắc dùng riêng chưa được quy định mực nước tương ứng với cấp báo động lũ, đề nghị UBND đẩy nhanh tiến độ thực hiện để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh.

1-1527_20210626_891-105724.jpeg
Lực lượng xung kích xã Quân Chu (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) thực hiện khắc phục thiệt hại do mưa lũ

Về ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã nhận được rất nhiều thông tin điều tra, khảo sát, rà soát, đánh giá các điểm xung yếu về lũ quét, sạt lở đất, ngập úng của các tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã gửi các thông tin này về Tổng cục nhưng chưa thực sự đầy đủ. Tổng cục đề nghị tỉnh sớm tổng hợp, số hóa danh sách các điểm xung yếu, các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét để Tổng cục có thể đưa những vị trí cụ thể này vào bản đồ cảnh báo thời gian thực của Tổng cục, sau đó Tổng cục sẽ gửi lại cho tỉnh để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức quán triệt, triển khai đến các cấp, các ngành thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; đồng thời kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với trên 250 bản tin cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan; 1.332 tin, bài, ảnh phản ánh tình hình thiên tai, về công tác chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai;...Tổ chức tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, nhất là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các kế hoạch về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Mai Đan