Đề xuất gỡ vướng đề án Tây Bắc và đề án Trung Trung Bộ
(TN&MT) - Chiều 18/8 tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam báo cáo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tình hình thực hiện Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” (đề án Tây Bắc) và Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” (đề án Trung Trung Bộ).
Báo cáo về đề án Trung Trung Bộ, ông Vũ Mạnh Hào, Phó trưởng phòng Đánh giá, thăm dò, Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Do diện tích đánh giá rộng, phân bố trên địa bàn nhiều tỉnh, bao gồm cả khu vực biên giới, điều kiện tự nhiên, địa hình phân cắt, giao thông đi lại khó khăn nên công tác triển khai thi công đề án ít nhiều bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, kinh phí được cấp để thực hiện đề án tính đến hết năm 2023 còn hạn chế so với tổng dự toán được phê duyệt, ảnh hưởng không nhỏ đến bố trí các hạng mục thi công và đáp ứng được tiến độ hoàn thành đề án được giao.
Ngoài ra, kết quả điều tra đã phát hiện và ghi nhận các đới quặng đồng Kon Nhân, Kon Long (Kon Tum) rất có triển vọng về quy mô và chất lượng. Song các công trình khoan nông chưa khống chế hết đới khoáng hoá, cần đầu tư đầy đủ các công trình sâu để đánh giá đầy đủ tiềm năng, tài nguyên quặng đồng và khoáng sản đi kèm trong khu vực, đủ cơ sở chuyển giao thăm dò khai thác.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Cục Địa chất Việt Nam đề xuất Bộ cung cấp đủ kinh phí hàng năm thực hiện đề án; cho phép điều chỉnh nội dung, dự toán để phù hợp với thực tế thi công; điều chỉnh thời gian thực hiện đề án đến tháng 12/2027.
Cục cũng đề xuất Bộ cho phép bổ sung công tác điều tra quặng đất hiếm trong phạm vi thực hiện của đề án thành phần “Đánh giá tổng thể tiềm năng quặng urani vùng Trung Trung Bộ”. Dự kiến tên đề án sau khi điều chỉnh là “Đánh giá tổng thể tiềm năng quặng urani, đất hiếm vùng Trung Trung Bộ” với các mục tiêu chính đối với quặng đất hiếm như sau: Phát hiện các khu vực có đất hiếm trong vỏ phong hóa vùng Trung Trung Bộ; khoanh định các diện tích có triển vọng đất hiếm trong vỏ phong hóa vùng Trung Trung Bộ để đề xuất nhiệm vụ đánh giá tổng thể đất hiếm Việt Nam.
Cục cũng kiến nghị tích hợp hai đề án lập bản đồ địa chất: Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Kan Nack (thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định); Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ IaMeur (thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum) do Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam chủ trì thực hiện vào đề án Trung Trung Bộ để cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung Trung Bộ.
Báo cáo về đề án Tây Bắc, ông Nguyễn Bá Minh, Trưởng phòng Địa chất cơ bản, Cục Địa chất Việt Nam cho biết Cục đã triển khai thi công 26/26 đề án thành phần, trong đó, đang hoàn thành 2 đề án, được Bộ TN&MT phê duyệt, đang hoàn thành 7 đề án, đang trình Bộ phê duyệt, đang hoàn thiện 1 đề án hoàn thành để trình Bộ phê duyệt, đang lập báo cáo tổng kết 2 đề án và đang thi công 14 đề án.
Cục Địa chất Việt Nam đề nghị Bộ cho phép kết thúc đề án Tây Bắc trong năm 2024 theo phê duyệt; cấp vốn bổ sung trong năm 2023 cho một số đề án thành phần để có thể hoàn thành đề án trong năm 2024 theo tiến độ.
Để hoàn thành kế hoạch thi công năm 2023, Cục đề xuất trong khi chờ phê duyệt điều chỉnh, đề nghị Bộ cho phép một số đề án thi công trước một số khối lượng thực địa (lộ trình khảo sát, đo địa vật lý, khoan, lấy mẫu phân tích,...) để tranh thủ thời gian và điều kiện thời tiết thuận lợi. Các khối lượng này thuộc các hạng mục chuyển đổi, tăng giảm nhưng không làm tăng tổng dự toán đề án. Cục sẽ trình Bộ phê duyệt điều chỉnh các đề án thành phần và đề án tổng thể khi có đơn giá theo mức lương cơ sở mới.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị đối với đề án Trung Trung Bộ, Cục Địa chất Việt Nam xem xét rà soát, chuẩn bị điều chỉnh về mục tiêu nhiệm vụ như bổ sung công tác điều tra khoáng sản đất hiếm kiểu ion hấp thụ, giảm diện tích điều tra đánh giá khoáng sản uran theo thực tế địa chất và khoáng sản; đánh giá việc tích hợp việc đo vẽ bản đồ hai nhóm tờ cho phù hợp; tính toán các khối lượng công việc của các đề án khác như đề án kim loại khoáng chất công nghiệp, ốp lát… theo đơn giá lương mới; dự tính thời gian kết thúc đề án theo khả năng cấp vốn khả thi nhất hài hòa với các nhiệm vụ của Cục được giao; sớm trình Bộ điều chỉnh vào quý 2 năm 2024.
Đánh giá đề án Tây Bắc là đề án rất quan trọng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu Cục Địa chất Việt Nam tập trung rà soát khối lượng công việc của các đề án đánh giá đất hiếm, đồng- nikel; vàng…; dự kiến triển khai thi công thực địa nếu được bổ sung vốn năm 2023 và khả năng cấp vốn năm 2024 kết thúc thực địa các đề án có thể xem xét kiến nghị công tác tổng kết vào năm 2025. Ngoài ra, trên cơ sở kết quả điều tra tỷ lệ 1/25.000 triển vọng đất hiếm kiểu hấp thụ ion là cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất xây dựng đề án đánh giá tổng thể đất hiếm toàn quốc; khẩn trương điều chỉnh các đề án theo lương mới trình Bộ phê duyệt.