Ban thư ký JETP Indonesia tuyên bố tạm hoãn công bố Kế hoạch Xây dựng chính sách và đầu tư thực hiện JETP
Ban thư ký thực hiện Tuyên bố Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Chính phủ Indonesia đã tuyên bố tạm hoãn công bố Kế hoạch Xây dựng chính sách và đầu tư thực hiện JETP. Điều này dấy lên lo ngại về việc thực hiện mục tiêu đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than tại đất nước này.
Ban thư ký JETP Indonesia vừa cho biết Kế hoạch Xây dựng Chính sách và Đầu tư toàn diện cuối cùng (CIPP) của Indonesia nhằm thực hiện Tuyên bố Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) dự kiến được công bố ngày 16/8/2023 đã bị trì hoãn ít nhất đến cuối năm 2023. Lý do được đưa ra là Indonesia cần có thêm thời gian để đàm phán với các đối tác là các nước phát triển nhằm thống nhất “một lộ trình khả thi về mặt kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi ngành điện của Indonesia”.
Tuyên bố JETP của Indonesia được công bố vào tháng 11/2022 trị giá 20 tỷ USD với mục tiêu quần đảo này có thể sớm đóng cửa nhà máy điện than và thay thế vào đó là các nhà máy điện tái tạo.
Tại Indonesia, than đá có một vai trò đặc biệt trong ngành năng lượng nước này. Than đá là khoáng sản có trữ lượng vô cùng lớn ở Indonesia và điều đó khiến quốc gia này trở thành một trong những nước có xuất khẩu than đá lớn nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, Indonesia đang đối mặt với những thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo, như năng lượng gió hay năng lượng mặt trời. Vì là quốc gia ở gần xích đạo, tốc độ gió thấp, bầu trời nhiều mây và ấm áp quanh năm không phải là điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Indonesia được hợp thành từ hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, nên chi phí dây cáp truyền tải điện cũng là một gánh nặng tài chính. Chính những thách thức này khiến Indonesia phải cân nhắc về lộ trình chấm dứt nhiệt điện than.
Ngoài những những thách thức kể trên, Kế hoạch thực hiện JETP bị trì hoãn còn là vì nước này cần thêm thời gian để đàm phán với các quốc gia đối tác JETP về các điều khoản tài chính, mức lãi suất và yêu cầu kỹ thuật chuyển đổi năng lượng. Kế hoạch chi tiết đầu tư được cho là đưa ra phương án cụ thể để các nhà tài trợ nước ngoài giúp quốc gia Đông Nam Á này chấm dứt sử dụng than. Nhưng các cuộc đàm phán với các đối tác quốc tế đã trở nên căng thẳng bởi Indonesia cho rằng, cần nguồn tài chính lớn hơn với những điều kiện ưu đãi lãi suất tốt hơn từ các nhà đầu tư. Thất bại này xảy ra sau 9 tháng đàm phán hậu trường đầy biến động kể từ khi thỏa thuận JETP giữa Indonesia và một nhóm các đối tác quốc tế do Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu được công bố tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali.
Theo các nguồn thạo tin về các cuộc thảo luận kỹ thuật, những bất đồng về phương án tài chính được cung cấp và những thách thức kỹ thuật trong việc đảm bảo chuyển đổi từ than sang năng lượng tái tạo là những rào cản lớn nhất cho đến nay. Ông Dadan Kusdiana, Tổng thư ký Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia nói rằng Chính phủ vẫn giữ nguyên “cam kết chuyển đổi năng lượng”, nhưng sẽ phải xem xét các phát hiện kỹ thuật “để xem liệu các mục tiêu có đáng tin cậy và khả thi hay không”.