Xã hội

Thừa Thiên - Huế: Ổn định sinh kế nhờ cây dược liệu

Văn Dinh 18/08/2023 - 16:16

(TN&MT) - Thời gian qua, bà con nông dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, qua đó có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Nâng cao thu nhập

Thừa Thiên - Huế có tiềm năng đất đai rộng lớn, thổ nhưỡng, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nước dồi dào và khí hậu nhiệt đới gió mùa, là những điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại cây thảo dược quý. Qua thống kê của Sở KH&CN Thừa Thiên – Huế, tỉnh có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước.

Với những tiềm năng vốn có, thời gian qua, người dân đã tận dụng các vùng đất hoang hóa, đất rú cát, mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu, bước đầu có những kết quả khả quan, cung cấp nguyên liệu cho thị trường, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

duoclieuhue-1.jpg
Người dân trồng cây tràm gió giúp nâng cao thu nhập

Cây tràm gió là cây dược liệu mà người dân ở Thừa Thiên – Huế trồng nhiều nhất để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở kinh doanh dầu tràm. Tại xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), từ những năm 2000, những mầm tràm gió tự nhiên đã được người dân nơi đây gieo trồng. Nhiều năm sau đó, diện tích trồng được mở rộng. Hiện tại, xã Lộc Thủy có khoảng 60 hecta tràm gió được trồng và đã khai thác lá, đáp ứng 50% nguyên liệu cần có tại địa phương, giúp người dân nghèo ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Nguyện (thôn An Bàng, xã Lộc Thủy) chia sẻ, gia đình có nhiều đất cát bỏ hoang, nghe biết trồng cây tràm gió phù hợp với thổ nhưỡng nên đã quyết định trồng gần 2 hecta. “Kinh tế gia đình khó khăn. Ở quê có rất nhiều cơ sở dầu tràm, họ hay thu mua cây tràm gió. Nhiều năm nay, nhờ trồng tràm gió nên gia đình tôi có thu nhập hơn, mỗi năm có thêm mấy chục triệu để trang trải cuộc sống, cho con cái ăn học”, bà Nguyện nói.

Còn tại huyện Phong Điền, cây atiso đỏ đã và đang mang lại thu nhập cao, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (xã Phong An, huyện Phong Điền) cho biết, atisô đỏ rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Quy trình chăm sóc cũng đơn giản, không tưới nước, không có sử dụng phân bón. Chị đã hình thành cơ sở khởi nghiệp và bước đầu thành công với dự án “Lập vùng nguyên liệu, chế biến và thương mại cây atiso đỏ”.

Từ một cơ sở nhỏ, manh mún, đến nay gia đình chị Hiền đã lập công ty chuyên kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm là hoa tươi, chị đăng ký thương hiệu chế tạo ra các sản phẩm từ hoa atiso như nước cốt, nước cốt có hoa, mứt, trà…Với năng suất mỗi hecta thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng mỗi năm, cao hơn nhiều năng suất trồng lúa và các loại hoa màu khác. Chị Hiền tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng chai thủy tinh, túi thiếc để đựng sản phẩm. Hiện tại, chị Hiền đã đưa cây atisô đỏ đến với gần 100 hộ dân của nhiều xã ở huyện Phong Điền. Toàn bộ sản phẩm atiso của người dân đều được chị Hiền thu mua với giá ổn định. Cơ sở đang tạo công ăn việc làm cho hành chục người dân với thu nhập trên 250.000 đồng/ngày.

duoclieuhue-2.jpg
Vườn atiso của chị Hiền (ảnh) cho năng suất cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều người

Qua thống kê, trên địa bàn huyện Phong Điền hiện có khoảng 183 hecta cây dược liệu. Trong đó, cây tràm dược liệu khoảng 95 hecta; cây sả, cây nghệ 20 hecta; atiso 55 hecta...

Tại xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới), ngoài sâm bố chính, mới đây, người dân còn trồng thêm cây cà gai leo - loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh gân xương, chữa phong thấp, giải rượu, chữa bệnh lý về gan. Toàn xã có gần 10 hecta loại cây dược liệu này với khoảng 25 hộ tham gia.

“Tôi đã trồng một sào cà gai leo thay thế diện tích chuối đã thoái hóa. Khi chăm sóc loại cây này có chút vất vả vì cà gai leo là cây bụi và có gai. Cà gai leo được thu hoạch và sử dụng phần cành, lá và rễ, thu hái quanh năm. Với giá bán 30 nghìn đồng/kg khô, hy vọng loại cây này sẽ là cây sinh kế mới cho bà con mình”, anh Hồ Văn Bình ở xã Quảng Nhâm thổ lộ.

Ở huyện Quảng Điền, đến nay trên địa bàn toàn huyện đã phát triển hàng trăm hecta cây tràm gió, nhiều diện tích bồ công anh, nhân trần, đinh lăng, cùng các loài dược liệu mới du nhập vào địa bàn như an xoa, sâm cau…

Từng bước phát triển cây dược liệu

Bí thư Huyện ủy Quảng Điền - Trần Quốc Thắng khẳng định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây dược liệu đang được huyện quan tâm và ủng hộ. Việc phát triển cây dược liệu phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nguyện vọng của người dân. Các dự án thử nghiệm phát triển cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ góp phần giải quyết những tồn tại trong sản xuất ngành trồng trọt và nâng cao đời sống của người dân, đồng thời góp phần thực hiện thành công chương trình nông thôn mới nâng cao của huyện.

duoclieuhue-3.jpg
Lãnh đạo Thừa Thiên- Huế đến các vùng trồng cây dược liệu để động viên, giúp đở người dân

Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, hoạt động phát triển và bảo tồn cây dược liệu được chính quyền các cấp quan tâm, ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức và các nhà nghiên cứu khoa học tham gia nghiên cứu, trồng thử nghiệm các mô hình cây dược liệu. Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các sản phẩm dược liệu được nhân rộng. Một số hộ gia đình đã tiến hành trồng thử nghiệm, làm quen với các mô hình gây trồng dược liệu tại địa phương để nâng cao kinh tế. Một số dự án như BCC, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc… đã hỗ trợ đầu tư trồng được 183,33 hecta cây dược liệu với sản lượng khai thác ước đạt 25.632,5 tấn; đồng thời tổ chức khai thác cây dược liệu từ rừng tự nhiên với sản lượng ước đạt 35.012 tấn.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh đến năm 2030”. Trong năm 2023, Thừa Thiên - Huế sẽ hỗ trợ trợ từ 1 đến 2 dự án đầu tư phát triển cây dược liệu; hỗ trợ từ 2 đến 3 doanh nghiệp dược liệu đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế cũng sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ ít nhất 2 doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh; triển khai 1 nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu được Trung ương hỗ trợ kinh phí trên địa bàn.

Để đạt được những mục tiêu trên, Thừa Thiên - Huế sẽ phát triển các vùng dược liệu và lựa chọn loài dược liệu ưu tiên; xây dựng “Trục văn hóa - Thảo dược” phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP tại tỉnh; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với chương trình OCOP... Qua đó, từng bước giúp người dân ổn định sinh kế từ cây dược liệu, giảm nghèo bền vững.

Văn Dinh