Xã hội

Bình Định: Hiệu quả chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm bền vững

Thanh Tùng 17/08/2023 - 16:01

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo thông qua tư vấn, giới thiệu việc làm được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực. Đây cũng là giải pháp quan trọng giúp Bình Định thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

Chú trọng đào tạo nghề

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Định phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm bền vững là một trong những giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Định quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Theo đó, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước được đổi mới. Phương pháp, hình thức dạy nghề chuyển dịch theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.

anh-1.jpg
Đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của địa phương tạo việc làm ổn định là một trong những giải pháp góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Quỳnh Nga

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Đình đã được tinh gọn; năng lực, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; 1.353 cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Theo thống kê, trong 10 năm qua, toàn tỉnh Bình Định đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) cho 12.500 lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Sau khi học nghề, tất cả học viên đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Đặc biệt có nhiều học viên là người khuyết tật, sau khi học xong các lớp đào tạo nghề đã có việc làm ổn định, vừa tạo thu nhập cho gia đình vừa tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ tại địa phương.

Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 80%. Sau học nghề, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình mới trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người lao động. Trước đây, thu nhập bình quân của người lao động nông thôn chỉ từ 1,3 – 1,7 triệu đồng/người/tháng, nhưng sau khi học nghề, thu nhập bình quân đã tăng lên từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Hỗ trợ việc làm bền vững

Bên cạnh công tác đào tạo nghề, hiện nay, Bình Định đang triển khai thực hiện Tiểu dự án về "Hỗ trợ việc làm bền vững". Tiểu dự án này thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sử dụng vốn đầu tư phát triển; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai.

Ông Lê Văn Nghinh – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Định cho biết, Tiểu dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững” có nhiều nội dung tuy nhiên, hiện nay trung tâm mới triển khai mạnh 2 nội dung chính là tổ chức sàn giao dịch việc làm và kết nối việc làm thành công cho lao động nghèo. “Hiện nay chúng tôi đã tổ chức 20 phiên trên tổng 60 phiên giao dịch việc làm theo Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững”. 100% các huyện đều đã được tổ chức phiên, trong đó riêng huyện nghèo An Lão đã tổ chức được 10 phiên”, ông Nghinh nói.

Thông qua các phiên, Trung tâm Dịch vụ việc làm kết nối với các doanh nghiệp; kết nối cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Ngân hàng chính sách… để tư vấn giới thiệu việc làm một cách toàn diện cho lao động nghèo. Lao động không chỉ được tư vấn giới thiệu việc làm, mà còn được tư vấn về chính sách lao động, thị trường khi đi làm việc ở nước ngoài, và học nghề…

anh-2.jpg
Triển khai tư vấn hỗ trợ việc làm cho lao động huyện An Lão, tỉnh Bình Đình. Ảnh: NN

Chị Nguyễn Thị Thơm (hộ nghèo ở huyện An Lão, Bình Định) cho biết, gia đình chị có 4 khẩu, chồng chị không may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, 2 con đang tuổi ăn học, một mình chị là lao động chính nhưng công việc bấp bênh, nên thu nhập thấp. “May mắn là thông qua phiên giao dịch việc làm, tôi đã kết nối được với một doanh nghiệp may. Họ đồng ý tiếp nhận tôi vào đào tạo nghề ngắn hạn và làm việc luôn trong tháng 6 này. Mức lương thử việc là 5 triệu đồng/tháng, sau đó sẽ được nâng lên tùy năng suất lao động của bản thân”, chị Thơm chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Nghinh, thông qua các phiên giao dịch việc làm, nhận thức của người lao động về việc tìm kiếm việc làm an toàn, bền vững được nâng lên. Nhiều lao động thuộc hộ nghèo đã được giới thiệu việc làm bền vững, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Mục tiêu trong năm 2023, trung tâm sẽ tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 4.000 người, trong đó giới thiệu việc làm thành công hơn 2.000 người lao động nghèo, lao động vùng đặc biệt khó khăn.

Bổ sung hơn 248 tỷ đồng cho giảm nghèo

Tính đến đầu năm 2022, theo chuẩn nghèo mới ban hành cho giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Bình Định còn 25.088 hộ nghèo (chiếm 5,72%) và 24.280 hộ cận nghèo (chiếm 5,54%), tập trung chủ yếu tại 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các Dự án giảm nghèo trên địa bàn sao cho đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Riêng UBND huyện An Lão đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã bố trí cụ thể từng danh mục và thực hiện các hoạt động duy tu bảo dưỡng theo quy định… góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững mà tỉnh đã đặt ra.

Nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đầu tháng 3/2023, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí sự nghiệp ngân sách Trung ương bổ sung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, với số tiền hơn 248 tỷ đồng.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ hơn 138 tỷ đồng để thực hiện các dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kinh phí được phân bổ gần 110 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo (huyện An Lão), các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục, tạo việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo...

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bình Định đặt mục tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1,5%-2%/năm, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3% đến 4%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện An Lão giảm bình quân trên 5%/năm.

Thanh Tùng