Khoáng sản

Đưa nhiều nội dung mới về địa chất vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Mai Đan (thực hiện) 17/08/2023 - 12:59

(TN&MT) - Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng và đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo theo ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương; các tổ chức có liên quan cũng như người dân và doanh nghiệp.

Để làm rõ những nội dung mới liên quan đến phần địa chất được đưa vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (Dự thảo), phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam.

ong-tran-binh-trong-cuc-truong-cuc-dia-chat-viet-nam.jpg
Ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam.

PV: Thưa ông, ông có thể nêu những kết quả nổi bật trong lĩnh vực địa chất sau 13 năm Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực?

Ông Trần Bình Trọng: Sau 13 năm triển khai Luật Khoáng sản 2010, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Về công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 phần đất liền, đã hoàn thành theo Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản trên diện tích là 42.550km2, nâng tổng diện tích đã lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản trên phạm vi cả nước lên 242.445km2, đạt 73,19% diện tích đất liền, tăng 12,84% so với trước khi thực hiện Quy hoạch. Kết quả đã phát hiện, điều tra sơ bộ hàng trăm điểm khoáng sản các loại, khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng để chuyển sang giai đoạn đánh giá xác định tài nguyên.

Đối với công tác điều tra địa chất - khoáng sản biển, tính đến hết năm 2020, công tác điều tra địa chất - khoáng sản vùng biển Việt Nam từ 0 - 30m nước tỷ lệ 1:100.000 (1:50.000) đã hoàn thành trên diện tích 41.100km2. Kết quả, đã phát hiện một số khu vực có triển vọng sa khoáng titan, vật liệu xây dựng thuộc khu vực biển ven bờ các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, Bình Định - Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thực hiện “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, ngành Địa chất đã hoàn thành 1 đề án trên diện tích 22.500km2 (60 - 100m nước), đang triển khai 2 đề án (50 - 300m nước và 500 - 2.500m nước) trên diện tích 266.050km2. Kết quả bước đầu đã khoanh định được một số khu vực có tiềm năng khí hydrate (băng cháy) ở vùng biển có độ sâu trên 500m đến 2.000m. Đồng thời đã ghi nhận các núi ngầm phân bố rải rác ở đáy biển khu vực điều tra, là các tiền đề quan trọng để tìm kiếm vỏ Fe-Mn cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc đăng ký địa danh biển, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

den-nay-da-co-25-de-an-dieu-tra-danh-gia-khoang-san-thuoc-quy-hoach-duoc-thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-da-duoc-cac-doanh-nghiep-tham-gia-gop-von-thuc-hien.jpg
Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Luật Khoáng sản quy định thực hiện cơ chế “xã hội hóa” công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để các doanh nghiệp tham gia góp vốn thực hiện các nhiệm vụ điều tra đánh giá khoáng sản. Đến nay, đã có 25 đề án điều tra, đánh giá khoáng sản thuộc quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được các doanh nghiệp tham gia góp vốn thực hiện.

PV: Theo ông, Luật Khoáng sản hiện hành có những bất cập gì liên quan đến địa chất cần sửa đổi, bổ sung?

Ông Trần Bình Trọng: Hoạt động điều tra địa chất gồm điều tra cơ bản địa chất và điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên địa chất (tài nguyên khoáng sản là một loại tài nguyên địa chất).

Luật Khoáng sản 1996 và Luật Khoáng sản 2010 chỉ quy định về công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, không quy định về công tác điều tra cơ bản địa chất. Luật Khoáng sản năm 1996 chỉ đề cập đến khái niệm điều tra cơ bản địa chất mà không có quy định cụ thể, Luật Khoáng sản 2010 không đưa công tác điều tra cơ bản địa chất vào phạm vi điều chỉnh của Luật.

Hoạt động điều tra cơ bản địa chất hiện nay chủ yếu căn cứ vào các quy định trong nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, do đó tính pháp lý của các quy định này chưa cao. Bên cạnh đó, trong hoạt động điều tra địa chất còn nhiều nội dung chưa có quy định cụ thể, chưa hình thành được một hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ để quản lý thống nhất công tác điều tra địa chất trên phạm vi cả nước, tạo cơ sở để hoạt động điều tra địa chất do các bộ, ngành, địa phương thực hiện trên phạm vi cả nước có sự lồng ghép, gắn kết, hiệu quả.

PV: Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Cục Địa chất Việt Nam đã đưa những nội dung mới nào liên quan đến phần địa chất vào Dự thảo để tháo gỡ những bất cập trên, thưa ông?

Ông Trần Bình Trọng: Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tăng cường công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã bổ sung nhiều quy định mới, đồng thời quy định cụ thể hơn nhiều nội dung khác có liên quan, trong đó, phần lớn các nội dung lần đầu được quy định trong một văn bản luật. Các nội dung về địa chất quy định trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã bám sát và thể chế hóa các định hướng chính sách trong Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

cong-tac-dieu-tra-co-ban-dia-chat-ve-khoang-san-da-dat-duoc-nhieu-ket-qua-noi-bat.jpg

Một số nội dung mới cơ bản được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm: Làm rõ khái niệm tài nguyên địa chất, trong đó có tài nguyên địa chất tái tạo, tài nguyên địa nhiệt, di chỉ, di sản địa chất, tai biến địa chất; Quy định cụ thể nội dung chiến lược về địa chất và quy định cụ thể hơn về nội dung quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản.

Đồng thời, xác định rõ nội dung, nguyên tắc: điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, điều tra cơ bản tài nguyên địa nhiệt, điều tra cơ bản tài nguyên địa chất tái tạo...; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; điều tra điều kiện địa chất khác, bao gồm cả việc điều tra, lập bản đồ không gian lòng đất.

Một số nội dung mới cơ bản được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm: Làm rõ khái niệm tài nguyên địa chất, trong đó có tài nguyên địa chất tái tạo, tài nguyên địa nhiệt, di chỉ, di sản địa chất, tai biến địa chất; Quy định cụ thể nội dung chiến lược về địa chất và quy định cụ thể hơn về nội dung quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về điều tra địa chất thông qua việc quy định đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; quy định rõ hơn nguyên tắc tham gia đầu tư, việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư.

Cùng với đó, quy định về hệ thống thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; nguyên tắc xác định hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư.

Ngoài ra, quy định công tác thanh tra chuyên ngành về địa chất, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương các cấp.
Các nội dung quy định nêu trên sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác điều tra địa chất, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác này thời gian qua.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Đan (thực hiện)