Phòng ngừa tai biến trượt lở ở Lạng Sơn
(TN&MT) - Trượt lở là tai biến địa chất phổ biến nhất, xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Năm 2016, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã triển khai công tác điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 khu vực miền núi tỉnh Lạng Sơn và đạt được một số kết quả nhất định. Đây là sản phẩm của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” (Đề án).
Xác định rõ những điểm trượt lở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Kết quả điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá khu vực tỉnh Lạng Sơn cho thấy, tỉnh Lạng Sơn có 363 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá giải đoán từ mô hình lập thể số và ảnh viễn thám và 1.011 vị trí được xác định đã và đang xảy ra trượt lở đất đá từ khảo sát thực địa. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy, có 6 vị trí có biểu hiện lũ quét, 5 vị trí xói lở bờ sông.
Trượt lở là tai biến địa chất phổ biến nhất, xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó, tập trung nhiều nhất dọc vách taluy dương và âm của các đường giao thông quan trọng. Ngoài ra còn xảy ra dọc theo các tuyến đường liên xã, liên thôn và trên các mái sườn dốc tự nhiên. Theo địa bàn, trượt lở phân bố tập trung ở các huyện như: Tràng Định với 276 vị trí trượt lở, chiếm 27,3%; Bình Gia với 189 vị trí trượt lở, chiếm 18,69%; Văn Lãng với 162 vị trí trượt lở, chiếm 16,02%. Đây là các huyện có địa hình núi cao, phân cắt mạnh, độ dốc lớn và chịu ảnh hưởng mạnh của đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên. Các vị trí trượt lở đất đá ghi nhận được đang hoạt động chủ yếu xảy ra dọc vách taluy dương của QL3B, QL4B, QL4A, QL279, TL241, QL31, TL229, TL235… và các đường giao thông chính trong vùng.
Lạng Sơn được xác định là tỉnh có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá cao. Đánh giá tổng thể ở từng khu vực theo đơn vị hành chính cấp huyện thì trong số 11 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Lạng Sơn, có 1 huyện được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao (huyện Bình Gia); có 9 huyện được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá cao (gồm các huyện Bắc Sơn, Cao Lộc, Chi Lăng, Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Quan và Hữu Lũng). Đánh giá tổng thể ở từng khu vực theo đơn vị hành chính cấp xã thì trong số 226 xã/phường của tỉnh Lạng Sơn, có 57 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao; 97 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá cao; 58 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá trung bình; 10 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá thấp; và 4 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá rất thấp.
Tai biến sụt lún đất (các khu vực phân bố đá vôi) xảy ra ở thành phố Lạng Sơn và khu vực lân cận, huyện Bắc Sơn, khu vực thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng…
Đề xuất giải pháp phòng tránh tai biến trượt lở
Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, nguyên nhân sạt lở tại các khu vực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu do ảnh hưởng của đứt gãy sâu Cao Bằng - Tiên Yên và hệ thống các đứt gãy phương Đông Bắc - Tây Nam kết hợp với phương á kinh tuyến, vĩ tuyến làm cho cấu trúc địa chất của vùng bị cắt xẻ, chia nhỏ, xuất hiện các khu vực bị cà nát, giập vỡ. Các thành tạo địa chất có mức độ phong hóa mạnh, lớp vỏ phong hóa dày, đất đá bị phong hóa mạnh, nứt nẻ, giập vỡ, sản phẩm phong hóa bở rời, gồm chủ yếu là cát, sét, bột và mảnh vụn, bề mặt địa hình có độ phân cắt lớn, bị cắt xẻ để làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở, dẫn đến mất cân bằng sườn dốc, làm phát sinh trượt lở đất đá khi gặp yếu tố kích hoạt như mưa bão.
Kết quả triển khai công tác đánh giá và thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trên toàn bộ diện tích khu vực tỉnh Lạng Sơn đã xác định toàn vùng điều tra có nguy cơ trượt lở đất đá ở 5 mức độ khác nhau, trong đó diện tích phân bố của các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao, vào khoảng 981km2 (chiếm tỷ lệ ~12% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Lạng Sơn); nguy cơ trượt lở đất đá cao khoảng 2.075km2 (chiếm tỷ lệ ~25%); nguy cơ trượt lở đất đá trung bình vào khoảng 2.438km2 (chiếm ~29%); nguy cơ trượt lở đất đá thấp vào khoảng 1.866km2 (chiếm ~22%); và nguy cơ trượt lở đất đá rất thấp ~951km2 (chiếm ~12%).
Dọc theo các đứt gãy sâu trong khu vực, điển hình là đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên tập trung mật độ lớn các điểm trượt lở đất đá. Tại khu vực phía Bắc huyện Văn Lãng, Đông Nam huyện Tràng Định đoạn Quốc Lộ 4A giao cắt với đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên, các điểm trượt lở xảy ra liên tiếp, có quy mô từ nhỏ đến lớn, đây cũng là nơi tập trung nhiều đới phá hủy được kiểm tra, thu thập qua công tác điều tra hiện trạng trượt lở đất đá, giải đoán mô hình lập thể số và ảnh viễn thám.
Theo TS. Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, để phòng tránh giảm thiểu tối đa hậu quả của tai biến, tỉnh Lạng Sơn cần gắn biển cảnh báo tai biến trượt lở đất tại các khu vực có nguy cơ trượt lở cao; đồng thời triển khai các biện pháp công trình như: Bạt thoải taluy, hạ bậc, làm kè, gia cố bê tông, làm rãnh thoát nước mặt, nước ngầm ở những vách taluy cao và dốc nhằm trống trượt tiếp diễn có thể xảy ra.
Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn cần luôn theo dõi, quan trắc hoạt động của khối trượt, quan trắc khe nứt để nâng cao cảnh giác và thông báo với các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời.
Tỉnh cũng cần chú trọng tuyên truyền nhân dân luôn theo dõi dự báo thời tiết và khi thấy mưa lớn kéo dài, những người ở các khu vực có nguy cơ cao cần nâng cao cảnh giác, di chuyển đến những nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản.