Môi trường

Bắc Kạn tăng cường phòng, chống thiên tai: Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa

Mai Đan (thực hiện) 16/08/2023 18:52

(TN&MT) - Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã thu được nhiều kết quả nổi bật trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT), trong đó đáng chú ý là kết quả đánh giá Bộ chỉ số công tác PCTT cấp tỉnh năm qua cho thấy công tác này đạt tổng điểm 94,25/100 điểm. Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT do Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành làm Trưởng đoàn đã đánh giá cao kết quả này tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra với Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bắc Kạn vào cuối tháng 7 vừa qua.

Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận như trên, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Ông Nguyễn Trọng Uyên - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn, thành viên Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự; Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn tỉnh đã trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về những kế hoạch và giải pháp này.

anh-1-o-uyen.jpg
Ông Nguyễn Trọng Uyên - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ kết quả đánh giá cụ thể Bộ chỉ số công tác PCTT cấp tỉnh năm 2022 của tỉnh Bắc Kạn? Kết quả này được xây dựng trên những nhóm tiêu chí nào?

Ông Nguyễn Trọng Uyên: Trên cơ sở Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh tại Quyết định số 09/QĐ-QGPCTT ngày 15/11/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT ban hành,Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bắc Kạn tự thực hiện đánh giáchỉ sốcông tác PCTT cấp tỉnh năm 2022 gồm 4 nhóm tiêu chí với 24 tiêu chí chính và 52 tiêu chí thành phần, tổng điểm: 94,25 điểm, cụ thể 4 nhóm tiêu chí gồm: tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy (10,25 điểm); Phòng ngừa thiên tai (51 điểm);Ứng phó thiên tai (15 điểm); Khắc phục hậu quả thiên tai (18 điểm).

Nhận thấy kết quả đánh giá Bộ chỉ số công tác PCTT cấp tỉnh năm 2022 vừa qua có một số nội dung còn hạn chế, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định công tác PCTT được đặt lên hàng đầu và chủ động điều hành chỉ đạo.

Kết quả đánh giá trên cơ sở công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản trong năm 2022 vừa qua. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh Bắc Kạn khiêm tốn, nên việc đầu tư trang thiết bị cũng như khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế, chủ yếu là bước đầu để đảm bảo an toàn người dân, điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Địa phương rất mong được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí cũng như chỉ đạo kịp thời hơn nữa trong công tác PCTT và khắc phục hậu quả sau thiên tai vì diễn biến thiên tai ngày càng khốc liệt, mang tính cực đoan và khó lường.

img_0185.jpg
Tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra công tác PCTT tại tỉnh Bắc Kạn vào cuối tháng 7/2023, đại diện thành viên Đoàn công tác thuộc Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận xét thứ tự xếp hạng của tỉnh được cải thiện nhiều so với những năm trước. Ảnh: Mai Đan

Tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra công tác PCTT tại tỉnh Bắc Kạn vào cuối tháng 7/2023, đại diện thành viên Đoàn công tác thuộc Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đánh giá cao công tác PCTT&TCKN của tỉnh trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 và nhận xét thứ tự xếp hạng của tỉnh được cải thiện nhiều so với những năm trước.

PV: Xin ông cho biết, bên cạnh các giải pháp chung của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bắc Kạn đã triển khai các biện pháp cụ thể gì nhằm thực hiện hiệu quả công tác PCTT tại địa phương nói chung và đạt được kết quả cao đánh giá Bộ chỉ số công tác PCTT cấp tỉnh nói riêng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra?

Ông Nguyễn Trọng Uyên: Căn cứ kết quả đánh giá Bộ chỉ số công tác PCTT năm 2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ban Chỉ huy về PCTT tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc nhóm tiêu chí đạt điểm cao, tập trung chỉ đạo khắc phục những nội dung, nhiệm vụ thuộc nhóm tiêu chí có điểm đạt thấp trong năm 2022 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt thực hiện.

Cụ thể, đối với các tiêu chí đạt kết quả thấp do thiếu các tài liệu đối chứng, hoặc chưa thực hiện được, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, triển khai các nội dung, phương thức thực hiện.

anh-2-kiem-tra-dap-dang-na-tong.jpg
Ban chỉ huy PCTT tỉnh Bắc Kạn kiểm tra, đánh giá nguyên nhân hư hỏng và thống nhất phương án sửa chữa đảm bảo an toàn đập dâng Nà Tổng, huyện Pắc Nậm, tỉnh Bắc Kạn

Ví dụ, thành lập phòng chuyên trách về PCTT thuộc Chi cục Thủy lợi; tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT; xây dựng kế hoạch PCTT hằng năm để thực hiện; hằng năm diễn tập ứng phó với các tình huống thiên tai theo Phương án PCTT đã duyệt; đa dạng các hình thức tuyên truyền sâu rộng tới thôn bản về công tác phòng ngừa, phòng tránh khi thiên tai xảy ra; sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cho công tác PCTT và báo cáo kịp thời để xin nguồn kinh phí cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai; hoàn thiện văn kiện của Quỹ PCTT và thực hiện thu - chi đúng quy định…

PV: Thưa ông, để thực hiện hiệu quả các kế hoạch PCTT của Trung ương và địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Uyên: Thực hiện các Chương trình, kế hoạch của Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT; Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ huy về PCTT tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 790/KH-UBND ngày 23/12/2021 về PCTT giai đoạn 2021-2025 để thực hiện trên địa bàn tỉnh và kế hoạch cụ thể theo từng năm để tổ chức thực hiện; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó hàng năm, từ đầu năm xây dựng phương án PCTT&TKCN tỉnh Bắc Kạn và tổ chức diễn tập các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh; ban hành các chương trình, kế hoạch theo các kết luận của Trung ương, tỉnh ủy.

PV: Được biết, thực hiện công tác phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm bốn tại chỗ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tại tỉnh Bắc Kạn. Ông đánh giá như thế nào về công tác này trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023?

Ông Nguyễn Trọng Uyên: Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, khi xảy ra thiên tai, các đơn vị, địa phương, người dân đã chủ động khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ” để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất,…

Trong năm 2022, đối với thiệt hại về người, các cấp chính quyền, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên, huy động lực lượng giúp gia đình có người chết làm các thủ tục mai táng, chính quyền địa phương hỗ trợ chế độ theo quy định của nhà nước.

anh-3-dap-ho-khuoi-cuon.jpg
Đập hồ Khuổi Cuộn, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn hư hỏng nặng

Đối với thiệt hại về nhà ở, sản xuất của nhân dân, chính quyền địa phương và người dân đã huy động các lực lượng tại chỗ để giúp nhân dân dọn dẹp, sửa chữa, dựng lại nhà cửa; hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ nhân lực để chăm sóc cây trồng, cung ứng giống vật tư nông nghiệp để gieo cấy lại hoặc chuyển sang cây trồng khác phù hợp với thời vụ.

Đối với thiệt hại về cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị chủ động huy động lực lượng, nguồn lực được giao để khắc phục khẩn cấp, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ huy các cấp, sớm ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Đối với nguồn vốn Trung ương hỗ trợ kịp thời, chủ động sử dụng đúng mục đích và đảm bảo tiến độ.

Tỉnh cũng rà soát cập nhật, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai, lên phương án cụ thể. Trước mắt, trong mùa mưa lũ, tỉnh chỉ đạo các địa phương có phương án di dời tạm thời khi cần thiết, về lâu dài rà soát bổ sung bố trí ổn định dân cư xen ghép, tại chỗ theo quy định. Đồng thời, dự kiến các tình huống thiên tai thường xảy ra để có biện pháp phòng tránh, ứng phó, khắc phục kịp thời gắn với phương châm “bốn tại chỗ”; làm cơ sở giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các địa phương; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra; chỉ đạo công tác diễn tập, huấn luyện,...

anh-4-dap-ho-khuoi-cuon.jpg
Đập hồ Khuổi Cuộn, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn hư hỏng nặng

Nhìn chung tỉnh đã rất chủ động, kịp thời trong công tác ứng phó, khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ.

PV: Địa phương sẽ làm gì để triển khai hiệu quả công tác PCTT trong những tháng cuối năm, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Uyên: Trong thời gian tới Ban Chỉ huy về PCTT tỉnh và Văn phòng Thường trực tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng dân cư.

Các đơn vị, địa phương chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, theo đó, cung cấp các bản tin dự báo về mưa bão cảnh báo lũ, rét hại… thông tin đến các địa phương chính xác kịp thời để có phương án phòng tránh hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đồng thời, chỉ đạo đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt phương án PCTT năm 2023, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời chính xác theo quy định.

Bên cạnh đó, triển khai các chương trình kế hoạch của tỉnh về công tác PCTT; thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả nguồn kinh phí.

anh-5-ho-tro-kinh-phi-trong-cong-tac-pctt.jpg
Tỉnh Bắc Kạn rất mong được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí trong công tác PCTT và khắc phục hậu quả sau thiên tai

Hơn nữa, tiếp tục rà soát cập nhật, những điểm tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai (460 điểm có nguy cơ thiên tai với 2.300 hộ dân), xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong khu vực nguy cơ cao về thiên tai; dự kiến các tình huống thiên tai thường xảy ra để có biện pháp phòng tránh, ứng phó, khắc phục kịp thời gắn với phương châm “bốn tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Cùng với đó, xây dựng Phương án Dự trữ, đảm bảo cung cấp một số mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng các quy định, kiến thức liên quan đến công tác PCTT, trong đó chú trọng vai trò, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông và các nhà mạng; đa dạng các hình thức thông tin, truyền tin, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời đến người dân khu vực bị ảnh hưởng...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Đan (thực hiện)