Xã hội

Đề xuất thí điểm thuốc lá thế hệ mới: Yếu tố sức khỏe phải ưu tiên hàng đầu

Mai Đan (thực hiện) 16/08/2023 - 14:59

(TN&MT) - Khi chúng ta đặt yêu cầu sức khỏe lên trên hết, chúng ta nên thận trọng đối với những sản phẩm độc hại như thuốc lá, trong đó có thuốc lá thế hệ mới, không vội vàng đưa ra chính sách khi chưa nghiên cứu thấu đáo ở tất cả các khía cạnh.

Đó là quan điểm của bà Trần Thị Trang, Phụ trách Ban Kiểm soát Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế khi bà trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về câu chuyện pháp lý liên quan đến thuốc lá thế hệ mới.

trang-1658833797578445642996.jpeg
Bà Trần Thị Trang, Phụ trách Ban Kiểm soát Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế

PV: Thưa bà, bà có thể đưa ra nhận định về câu chuyện pháp lý liên quan đến thuốc lá thế hệ mới trong thời gian qua?

Bà Trần Thị Trang: Đây là một vấn đề chúng ta phải đặt ra khi kiểm soát bất cứ một sản phẩm nào, thuốc lá thế hệ mới cũng không loại trừ. Đối với Việt Nam, mặc dù đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2012, tuy nhiên tại thời điểm đó, trên thị trường Việt Nam chưa xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Do vậy, Luật chưa có quy định khái niệm cụ thể dành cho hai sản phẩm thuốc lá mới điển hình ở thời điểm hiện tại này.

Đây là những sản phẩm có các đặc tính rất khác so với các sản phẩm thuốc lá điếu. Nếu như nicotin là một trong những yếu tố mang tính chất đặc thù của thuốc lá điếu thì sản phẩm dung dịch điện tử là yếu tố đặc thù của thuốc lá điện tử, còn đối với thuốc lá nung nóng, ngoài các sợi thuốc lá, còn có sợi cellulose tổng hợp, tẩm ướp hương vị và cả thiết bị điện tử để đốt nóng điếu thuốc là một bộ phận không tách rời của sản phẩm.

images1652666_tldt_1.jpg
Mối nguy hiểm từ thuốc lá điện tử

Do vậy cơ sở pháp lý đối với những sản phẩm này vẫn còn là câu chuyện dài, chưa có hồi kết khi mà Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa bao quát hết các sản phẩm này. Để quản lý được thuốc lá thế hệ mới, chúng ta cần rà soát các sản phẩm này để thể hiện các chính sách quản lý trong văn bản đúng tầm của Quốc hội.

PV: Vậy theo bà, đứng trước rào cản về mặt pháp lý như trên, có nên thí điểm thuốc lá thế hệ mới ở Việt Nam theo đề xuất của Bộ Công thương?

Bà Trần Thị Trang: Việc có nên thí điểm thuốc lá thế hệ mới, trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng hay không phải xuất phát từ đa chiều, từ khía cạnh kinh tế, khía cạnh an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, và quan trọng nhất là khía cạnh sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là sản phẩm độc hại, cho nên chúng ta có cho phép thí điểm sản phẩm độc hại hay không vừa là câu chuyện pháp lý vừa là câu chuyện liên quan đến an toàn sức khỏe của người dân. Chính vì thế, đối với các sản phẩm này, chúng ta phải nghiên cứu thấu đáo, từ thực tiễn vấn đề tác động đến sức khỏe, xã hội ra sao đến những cơ chế phù hợp.

Có nhiều cách để quản lý thuốc lá thế hệ mới, có thể cấm hoặc cho phép sử dụng nhưng quản lý chặt chẽ như thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, sản phẩm này không làm giảm tác hại đến sức khỏe như các doanh nghiệp vẫn quảng cáo, không có bằng chứng nào cho thấy thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm giảm hại, nó có giảm nguy cơ nhưng về mặt khoa học không đồng nghĩa là giảm tác hại, đồng thời lại có thêm các nguy cơ khác đối với sức khỏe so với sản phẩm thuốc lá điếu.

thuoc-la-2.jpg
Quan điểm của Bộ Y tế là không nên cho phép thí điểm và không cấp phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá mới

Do vậy, nếu như thí điểm sản phẩm này thì cũng không mang lại lợi ích về sức khỏe và xã hội so với thuốc lá điếu, trong khi luật đã quy định việc hạn chế cung và cầu đối với thuốc lá điếu. Như vậy, về câu chuyện pháp lý, chúng ta có cơ hội để hạn chế hoặc cấm sử dụng các sản phẩm này vì sức khỏe người dân và phòng ngừa nguy cơ gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Nếu cho thí điểm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng, các nỗ lực hiện nay sẽ bị phá bỏ.

Hiện đã có ít nhất 34 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử; có 7 quốc gia cho phép nhưng áp dụng quy định quản lý chặt chẽ và chưa có sản phẩm nào được cấp phép lưu hành. Trong khu vực ASEAN cũng đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Vậy tại sao hàng chục quốc gia - trong đó có nhiều nước giàu và có những quốc gia có nền kinh tế tương tự như nước ta - đang cấm các sản phẩm này và thế giới cũng chưa biết hết các tác hại lâu dài của chúng, đang trong quá trình nghiên cứu, thu thập thông tin, thì chúng ta lại nghiên cứu thí điểm ở Việt Nam, nơi đang rất khó khăn để kiểm soát thuốc lá điếu?

Trên quan điểm thận trọng vì sức khỏe người dân và những nghiên cứu bước đầu, thuốc lá thế hệ mới không mang lại giá trị kinh tế hơn các sản phẩm thuốc lá khác, trong khi chi phí sức khỏe, chi phí xã hội tiềm ẩn rủi ro lớn. Vậy chúng ta có nên mở ra một sự lựa chọn mới, “cơ hội” mới cho việc nghiện nicotin?

su-dung-thuoc-la-dien-tu-shisha-tai-truong-hoc-16202138693452124570766-crop-16782573013071603078442.jpg
Hiện Việt Nam chưa có thống kê và đánh giá tác động của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe con người

Khi chưa có bằng chứng về mặt khoa học, thực tiễn và pháp lý, liệu chúng ta có nên mở ra hướng đi ngược với quan điểm “giảm cung giảm cầu” thuốc lá, để rồi tốn kém nguồn lực xây dựng văn bản, nghiên cứu cơ chế quản lý. Hơn nữa, nếu sau 2 năm thí điểm, nước ta không cho phép sử dụng thuốc lá làm nóng nữa thì đã tạo ra một thế hệ nghiện nicotin, khi đó sẽ giải quyết như thế nào, hiện chưa có phương án cho vấn đề này. Do vậy, việc thí điểm không khả thi vì không có giải pháp toàn diện cả khi cho phép, khi triển khai và khi kết thúc.

PV: Bà có thể dẫn chứng việc thí điểm quản lý kinh doanh thuốc lá thế hệ mới không thành công ở một số quốc gia, từ đó bà có đề xuất, gợi mở hướng đi nào cho Việt Nam?

Bà Trần Thị Trang: Ngoài xu hướng cấm thuốc lá điện tử trên thế giới, có những quốc gia khác cho phép quản lý rất chặt, ít nhất là ngang bằng với thuốc lá điếu, những nước này nhận thấy vấn đề nảy sinh là sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ tăng cao.

Một số quốc gia như Mỹ đã bắt đầu cấm trở lại, hoặc Anh và một số nước khác đã bắt đầu quản lý chặt trở lại, tức là các nước này đã có quá trình gần giống như thí điểm và nhận thấy không mang lại lợi ích như các doanh nghiệp nêu ra ở thời điểm bắt đầu thí điểm. Có thể mục tiêu ban đầu doanh nghiệp hướng đến một sản phẩm khác, sự lựa chọn khác cho người tiêu dùng và cải tiến sản phẩm để giảm yếu tố nguy cơ nhưng rõ ràng họ đã không thành công. Thay vì chúng ta cho phép sản phẩm này vào Việt Nam, chúng ta nên có biện pháp ngăn chặn sử dụng, quản lý chặt nạn buôn lậu thuốc lá thế hệ mới và tăng cường truyền thông về tác hại.

20191004_080919_874953_thuoc-la-dien-tu-vi.max-1800x1800.jpg
Thuốc lá thế hệ mới thu hút giới trẻ

Hơn nữa, cần phải có ngay một chính sách kiểm tra, giám sát thuốc lá thế hệ mới kể cả khi chưa có luật quản lý hay chưa đưa vào thí điểm.

Đặc biệt, việc nghiên cứu tác động của sản phẩm đến sức khoẻ người dùng và xã hội Việt Nam (bao gồm các nhà sản xuất, các đối tượng khác chịu tác động,...) là điều cần thiết trước khi đưa sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào thí điểm.

Bên cạnh đó, cần có những báo cáo nghiên cứu đánh giá tại các nước đã luật hoá sản phẩm này trước khi áp dụng cho Việt Nam nhằm xây dựng một khung pháp lý toàn diện cho thuốc lá thế hệ mới tại nước ta.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Hiện nay, Bộ Y tế đã giao các đơn vị liên quan xây dựng đề xuất chính sách quản lý 2 loại sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng). Quan điểm của Bộ Y tế là không nên cho phép thí điểm và không cấp phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm này.

Mai Đan (thực hiện)