Bất động sản

Nghị quyết 33/NQ-CP: Tháo gỡ chính sách phát triển nhà ở xã hội

Thùy Linh 15/08/2023 - 10:41

(TN&MT) - Sau khi Nghị quyết 33/NQ-CP được ban hành, nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng đã từng bước được tháo gỡ, tạo chuyển biến tích cực, nhất là đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Tháo gỡ chính sách

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV nhiều dự thảo như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đấu thầu. Đi kèm với đó là hàng loạt các nghị quyết, điển hình như Nghị quyết 33… Kể từ khi Nghị quyết được ban hành, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nghiên cứu ban hành, sửa đổi nhiều thông tư hướng dẫn.

10b.jpg
Các địa phương đang đẩy mạnh phát triển dự án nhà ở xã hội tạo nguồn cung cho thị trường BĐS

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTNMT ngày 15/5/2023 sửa đổi, bổ sung quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; Thông tư 03/2023/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Bộ Xây dựng tháo gỡ nhiều vướng mắc về các Nghị định 100/NĐ-CP/2015; Nghị định 49/NĐ-CP/2021… Theo đó, đề xuất các chính sách về nhà ở, nhà ở xã hội có hiệu lực sớm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án nhà ở xã hội.

7 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn. Trong đó, nhà ở xã hội là 7 dự án có quy mô 8.815 căn, còn nhà ở cho công nhân là 3 dự án quy mô 11.038 căn. Đã có 11 UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã chủ động triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp liên quan đến nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người mua nhà tiếp cận vốn vay. Đến nay, đã có 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đang tiếp cận Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội và 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) để vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội được thúc đẩy mạnh

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, cả nước đã thực hiện giải ngân gói tín dụng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở của hộ gia đình được 4.381/15.000 tỷ đồng cho 12.200 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Về chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, ghi nhận khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng (thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng). Sở Xây dựng các địa phương đang rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, cơ bản các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, đã được tháo gỡ thông qua việc ban hành các nghị định và thông tư liên quan.

Đối với việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà cho thuê, nhà ở công nhân là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ phải tập trung giải quyết theo nguyên tắc khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư, việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Ngoài ra, sẽ tổng hợp các vướng mắc của địa phương phản ánh, cũng như tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá vật liệu xây dựng, giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đánh giá và dự báo thị trường BĐS.

Thùy Linh