Môi trường

Quảng Trị: Chia sẻ kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ về phân loại rác thải tại nguồn

Tiến Nhất 12/08/2023 - 21:32

Ngày 10/8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Sự tham gia của hộ gia đình vào việc phân loại rác thải tại nguồn ở TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị: Thực trạng và giải pháp” và tham vấn ý kiến về dự thảo Quy định chi tiết quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

anh1.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Trị, ông Nguyễn Trường Khoa nhấn mạnh: Trên cơ sở kết quả của đề tài và tình hình thực tiễn, hội thảo lần này mong muốn nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu, tập trung vào các vấn đề: Khó khăn, bất cập trong công tác phân loại, thu gom xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt; Các giải pháp tăng cường sự tham gia của mỗi hộ gia đình, cá nhân vào hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt; Những giải pháp thúc đẩy hiệu quả các mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh; Nhu cầu cải thiện hệ thống quy trình phân loại, thu gom xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng; Đề xuất đưa ra một số cơ chế, chính sách, công thức tổ chức thực hiện quy định liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn về phân loại thu gom chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng.

anh2.jpg
TS Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị phát biểu tại hội thảo

“Các ý kiến sẽ là cơ sở quan trong để thời gian tới lãnh đạo Sở TN&MT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án. Góp phần nâng cao nhận thức người dân trong quá trình thu gom, phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình; cũng như hỗ trợ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới” - Ông Nguyễn Trường Khoa nói.

Tại hội thảo, TS Lưu Thị Lịch, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở Quảng Trị chưa cao, tỷ lệ phân loại thấp (khoảng 7%).

Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, chậm nhất đến 31/12/2024, các quy định về phân loại rác tại hộ gia đình và quy định xử phạt hành chính phải được thực hiện ở các địa phương.

Đề tài có mục tiêu nghiên cứu nhằm làm rõ thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng tới sự tham gia của hộ gia đình vào việc phân loại rác thải tại nguồn, từ đó đưa ra các giải pháp đề xuất giúp tăng cường sự tham gia của hộ gia đình vào việc phân loại rác thải tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương.

anh3.jpg
TS Lưu Thị Lịch, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo kết quả và cho ý kiến Đề án đánh giá thực trạng và xây dựng Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tập trung vào các nội dung chủ yếu: Hoàn thiện, triển khai các quy định về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn; đẩy mạnh hoạt động giáo dục tuyên truyền; đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng, ký thuật thu gom xử lý rác; Rà soát, xử lý những bất cập trong công tác đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ, ban hành giá về thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt…

Theo thống kê năm 2022, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hơn 126.000 tấn, đô thị chiếm 47,4%, nông thôn chiếm 52,6%. Trong đó, TP Đông Hà phát sinh lớn nhất gần 30.000 tấn, huyện đảo Cồn Cỏ thấp nhất 36 tấn. Khối lượng thu gom vận chuyển đạt 87%; khối lượng xử lý đạt 86,52%.

Trong giai đoạn 1, tỉnh đã đầu tư 7 bãi chôn lấp chất thải rắn, 3 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. 92% rác thải hiện được xử lý bằng công nghệ chôn lấp và 8% xử lý bằng phương pháp đốt.

Tiến Nhất