Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Voi 12/8
(TN&MT) - Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Voi 12/8, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã phối hợp cùng một số đơn vị khởi xướng các hoạt động hưởng ứng, nhằm kêu gọi hành động khẩn cấp bảo tồn loài và giúp các quần thể voi tại Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ trở lại.
Ra mắt Sáng kiến Liên minh Bảo tồn Voi châu Á
Ngày 12/8, tại Hà Nội, WWF ra mắt sáng kiến Liên minh Bảo tồn Voi châu Á (AEA). Mục tiêu hướng tới giảm thiểu tình trạng thu hẹp và mất sinh cảnh của voi; giúp người và voi chung sống hài hoà và quần thể voi hoang dã phát triển ổn định.
Được biết đến như là "kỹ sư của hệ sinh thái và thợ làm vườn của rừng", voi châu Á hoang dã đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt giống và chất dinh dưỡng, tạo đường mòn trong rừng rậm và thay đổi sinh cảnh rừng, mang lại lợi ích của các loài động vật khác. Ngay cả dấu chân voi cũng tạo thành các hệ sinh thái nhỏ nơi có nhiều sinh vật cư trú.
Loài voi đang bị đe dọa trên toàn cầu, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc – nơi chỉ còn khoảng 8.000 - 11.000 cá thể voi hoang dã phân bố ở tám quốc gia, bao gồm Campuchia, miền Nam Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Trong số các quốc gia trên, Việt Nam còn lại ít voi hoang dã nhất, ước tính chỉ có hơn 100 cá thể trên toàn quốc. Quần thể lớn nhất được tìm thấy ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Những cá thể còn sót lại này đang phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa, bao gồm: Xung đột với con người, sinh cảnh sống bị mất hoặc suy thoái và phân mảnh; thu hẹp nguồn thức ăn; trở ngại di chuyển trong vùng cảnh quan…
AEA ra đời trong bối cảnh các mối đe dọa đối với loài voi không thể giải quyết đơn phương mà cần tới sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia, các đối tác trong khu vực. Trọng tâm của AEA sẽ là tăng cường các hoạt động nghiên cứu, giám sát, bảo vệ và quản lý voi.
Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn Động vật Hoang dã của WWF-Việt Nam cho biết: “Hầu hết các quần thể voi hoang dã ở Việt Nam đều nhỏ lẻ và biệt lập. Nếu như không có những hành động khẩn cấp, tương lai tuyệt chủng của loài sẽ không xa. Tham gia AEA là một trong những giải pháp để chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Chính phủ cũng như vận động cộng đồng quốc tế bảo vệ các quần thể voi hoang dã của Việt Nam”.
Tại Việt Nam, WWF sẽ huy động các nguồn lực để thực hiện ba nội dung chính. Đảm bảo sinh cảnh sống cho voi bằng cách tập trung bảo vệ, quản lý, kết nối và khôi phục các sinh cảnh ưu tiên của loài. Sống chung với voi, với mục tiêu quản lý các xung đột để người và voi cùng chung sống hài hoà. Cuối cùng là khôi phục quần thể voi với các nỗ lực tăng cường bảo tồn tại địa phương và cải thiện quản lý động vật hoang dã, giúp các quần thể voi trong khu vực có thể sinh sống và phát triển ổn định.
Giải chạy Khám phá Nông Sơn – Hưởng ứng Ngày Quốc tế Voi
Giải chạy sẽ diễn ra vào ngày 13/8 tại huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam). Sự kiện quy tụ hơn 700 vận động viên và người yêu thích bảo tồn thiên nhiên tham gia, cùng chung tay lan tỏa thông điệp cấp bách về bảo tồn voi hoang dã.
Giải chạy do Ủy ban Nhân dân huyện Nông Sơn tổ chức từ năm 2022 đến nay nhằm thúc đẩy du lịch tại địa phương, bao gồm các cự ly 7km, 21km và 38km. Cự ly 38km đi ngang qua Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Voi Nông Sơn, một trong những khu vực quan trọng của dự án thuộc do WWF-Việt Nam thực hiện tại tỉnh Quảng Nam.
Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Voi Nông Sơn có một quần thể voi gồm 8 cá thể sinh sống trong diện tích gần 19.000ha của rừng tự nhiên. Một quần thể nhỏ như vậy rất có thể đang đối mặt với những tác động tiêu cực của sự quan hệ cận huyết, các khiếm khuyết về mặt di truyền và dễ bị tổn thương do bệnh tật. Bên cạnh đó, sinh cảnh và nguồn thức ăn hạn hẹp cho quần thể voi này trong tương lai cũng là những mối đe dọa đáng quan ngại.
"Voi là loài có khả năng thích nghi và có tuổi thọ lâu dài, nhưng khi dân số co lại thành quần thể nhỏ như thế này, khả năng tồn tại của chúng đang bị đặt trong tình trạng nghiêm trọng. Quần thể voi gồm 8 cá thể này là một lời nhắc nhở rõ ràng về các thách thức bảo tồn to lớn phía trước. Nhưng cũng là biểu tượng của sự hy vọng, rằng với nỗ lực tối đa, chúng ta có thể phục hồi môi trường sống của voi và loại bỏ những mối đe dọa đối với sự tồn tại của chúng." ông Nick Cox - Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do USAID tài trợ, WWF thực hiện - chia sẻ.
Doanh nhân Việt Nam nói không với tiêu thụ ngà voi và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật
Ngày 12/8, tại tỉnh Đắk Lắk, Liên đoàn Xe đạp – Mô tô Thể thao Việt Nam (VCF), Hội Doanh nhân trẻ Đắk Lắk và Vườn Quốc gia Yok Don lần đầu tiên tổ chức Giải Xe đạp địa hình phong trào toàn quốc 2023. Hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Voi, đồng thời nhấn mạnh những mối đe dọa chúng đang gặp phải do nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp.
Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với voi châu Phi đó là nhu cầu cao về các sản phẩm ngà voi tại châu Á. Đây là loại hàng hóa bị buôn bán nhiều nhất trên thị trường, cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Trong khi đó, Việt Nam là một điểm nóng về vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ ngà voi và các sản phẩm làm từ các loài hoang dã nguy cấp, gây ra tác động nghiêm trọng đến đa dạng sinh học. Mới đây nhất, vào tháng 3 vừa qua, các lực lượng chức năng đã thu giữ ít nhất bảy tấn ngà voi có nguồn gốc từ châu Phi tại Hải Phòng, vụ bắt giữ lớn nhất cho đến nay được ghi nhận tại thành phố cảng phía Bắc này.
Các nghiên cứu cho thấy, doanh nhân là một trong những đối tượng chính tiêu thụ sản phẩm từ các loài hoang dã trái pháp luật, do họ thường dùng những sản phẩm này để tăng cường sức khỏe và củng cố địa vị xã hội cũng như các mối quan hệ kinh doanh. Chính vì vậy, sự tham gia của hơn 200 doanh nhân, cán bộ công nhân viên chức của các cơ quan và đối tác liên quan rất quan trọng, thể hiện sự đồng lòng cam kết nói không với sử dụng và tặng quà các sản phẩm làm từ ĐVHD trái phép.
Hoạt động trên nằm trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thông qua Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (MBFP), do WWF, TRAFFIC và ENV thực hiện.
“Khi các doanh nghiệp của Việt Nam đang vươn ra toàn cầu, việc không nhận hoặc tặng các sản phẩm ngà voi để xây dựng mối quan hệ sẽ gửi đi một thông điệp tích cực: Nhu cầu và sử dụng các sản phẩm làm từ ĐVHD bất hợp pháp sẽ không được nương tay tại Việt Nam”, bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng dự án cho biết.