Xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP
(TN&MT) - Ngày 11/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP).
Kế hoạch này sẽ đề ra lộ trình nhằm huy động đủ các nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu của Tuyên bố JETP, đồng thời, đề xuất các dự án giúp Việt Nam triển khai Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia.
Việt Nam và IPG (bao gồm các nước Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đan Mạch và Na Uy) đã thông qua Tuyên bố JETP vào ngày 14/12/2022. Thực hiện Tuyên bố JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) hiện đang đồng điều phối Nhóm IPG thực hiện Tuyên bố JETP tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định việc triển khai tích cực, hiệu quả Tuyên bố JETP là một trong những giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban Thư ký JETP trong tháng 7 vừa qua. Đề án triển khai thực hiện Tuyên bố JETP cũng đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét và sớm ban hành.
Bộ TN&MT hiện đang chủ trì, phối hợp với các Bộ và các đối tác xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP (Kế hoạch RMP), và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Các đối tác cam kết huy động số tiền ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó, Nhóm các đối tác quốc tế (Nhóm IPG) huy động 7,75 tỷ USD với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế. Số tiền cho giai đoạn sau có thể cao hơn nếu Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế. Cả IPG và GFANZ sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xác định các cơ hội triển khai tài chính một cách nhanh chóng.
Hội thảo tham vấn nhằm cho ý kiến đối với cấu trúc và nội dung để bảo đảm Kế hoạch bám sát nội dung Tuyên bố JETP; xây dựng lộ trình, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển kinh tế các-bon thấp hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“Các dự án đề xuất đưa vào Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP cần phù hợp với bộ tiêu chí khung giúp Việt Nam triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Đồng thời, phù hợp với ưu tiên của Việt Nam, của các đối tác, đảm bảo tính khả thi về công nghệ, nguồn lực thực hiện và có thể triển khai được ngay. Chúng tôi sẽ ưu tiên các dự án mang tính đột phá, có tác động lan tỏa thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ: Sức mạnh của JETP là huy động tập thể các nguồn tài chính công và tư để tạo ra khoản đóng góp ban đầu, làm chất xúc tác cho các khoản đầu tư cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Quy hoạch Điện 8 và Chiến lược năng lượng quốc gia đã thể hiện các mục tiêu tham vọng của Việt Nam.
Việt Nam đã đạt bước tiến lớn về phi các-bon hóa nguồn cung điện, bằng cách giảm đáng kể các nhà máy điện than mới trong 2 năm qua. Việt Nam có tỷ trọng điện gió và điện mặt trời cao nhất trong các nước ASEAN; lượng điện tạo ra từ năng lượng tái tạo cũng nhiều hơn các nước ASEAN khác, thậm chí vượt một số nước trong khối G7.
Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực ASEAN về chuyển đổi năng lượng và có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong cuộc đua trở thành đất nước hiện đại, vận hành bằng nguồn năng lượng sạch, an toàn và đáng tin cậy.
Ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam
Ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam nhận định, việc xây dựng RMP là cơ hội để vạch ra con đường hiện thực hóa tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia, tăng cường an ninh năng lượng và cạnh tranh năng lượng. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.
Một kế hoạch đem lại hiệu quả cao nhất trong huy động tài chính cần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành liên quan, nhằm xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho huy động mức đầu tư cao hơn với các chính sách có tính xuyên suốt. Một nửa tài chính của JETP đến từ khu vực tư nhân nên các chính sách tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư rất quan trọng.
Tại hội thảo, đại sứ các quốc gia trong nhóm IPG, đại diện các tổ chức quốc tế, Liên minh GFANZ, các tổ chức phi chính phủ, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng... đã cùng thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP; các lĩnh vực ưu tiên và đề xuất ý tưởng thực hiện JETP, các hành động chính sách tăng cường đầu tư chuyển đổi năng lượng; cách thức triển khai và quản trị Tuyên bố JETP. Các ý kiến thống nhất, nội dung Kế hoạch cần bám sát Tuyên bố JET và có khung tiêu chí lựa chọn các dự án, hoạt động chuyển đổi năng lượng công bằng để đưa vào Kế hoạch.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc duy trì tập trung vào các yếu tố “công bằng” của quá trình chuyển dịch năng lượng, bà Ramla Khalidi. Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, điều này liên quan đến sự hỗ trợ thiết yếu và bảo vệ người lao động và các nhóm dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng khác, đảm bảo năng lượng có giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, duy trì và phát triển kinh tế địa phương, đồng thời tạo ra việc làm xanh và bền vững cho cả hai giới. Để đạt được mục tiêu này, sự tham gia của các bộ chủ chốt như Bộ LĐTBXH và Bộ GD&ĐT có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần chú trọng triển khai đối thoại toàn diện, tham vấn với những người bị ảnh hưởng và cộng đồng địa phương.
Để triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện.
Đề án đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện gồm: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; (2) Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; (3) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; (4) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (5) Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; (6) Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; (7) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; (8) Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; (9) Truyền thông, nâng cao nhận thức; và (10) Thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển đổi năng lượng công bằng.