Khởi sắc ở vùng núi xứ Thanh
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục chuyển biến tích cực.
Trong giai đoạn 2021- 2023, toàn tỉnh đã đầu tư 11.446,968 tỷ đồng cho Chương trình, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 6.429,092 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh là 1.725,390 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện, xã và huy động khác là 2.963,430 tỷ đồng. Nhờ có sự qquan tâm đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; các lĩnh vực giáo dục, y tế ở vùng dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển; trật tự an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững.
Trong 28 chỉ tiêu, đến nay có 09/28 chỉ tiêu đề ra đạt, bằng 32,1%. Trong đó, nổi bật là các lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên. Tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi đạt 99,51%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 14,5%.
Công tác giảm nghèo được chú trọng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển, 100% đường giao thông đến trung tâm xã, trung tâm huyện hư hỏng, xuống cấp được sửa chữa, nâng cấp; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn còn lại của Chương trình, tỉnh phấn đấu nâng cao 9 chỉ tiêu đã đạt, đồng thời hoàn thành 19 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch của Chương trình, gồm: Thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi; Tỷ lệ đường giao thông thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa; Đầu tư nâng cấp các hồ, đập, bai đập, các công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu; Tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác;
Số hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được quy hoạch, di dời đến các điểm dân cư nông thôn, khu dân cư mới, khu vực an toàn; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục; Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố; Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THCS đến trường;
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THPT đến trường; Số lao động được tạo việc làm bình quân; Tỷ lệ lao động qua đào tạo; Tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ; Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Mục tiêu chung của Chương trình là tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi. Khai thác và phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế trong khu vực; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống của người dân so với miền xuôi, giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; từng bước xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội. bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2,67%/năm trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm trở lên...
Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% (giảm 4,81%, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm tử 20,42% xuống còn 17,07% (giảm 3,35%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%).