Biển đảo

Ghé đầm Thị Nại, trăn trở Cồn Chim...

Ái Trinh 10/08/2023 11:09

(TN&MT) - Ai đã từng đặt chân về Bình Định, hẳn hơn một lần ước được ghé đầm Thị Nại, ghé Cồn Chim, một vùng đầm phá mênh mông, tràn ngập màu xanh và ríu rít tiếng chim… Nhưng Cồn Chim không chỉ có chim mà còn ngập rác. Đứng ở Cồn Chim, tôi chỉ ước mong một ngày không xa, nơi đây cũng được áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm như Cồn Sơn (Cần Thơ) hay Cù Lao Chàm (Quảng Nam)…

Đầm Thị Nại - một vùng sinh thái nổi tiếng tại Bình Định có diện tích 5060ha, nhận nước từ hai hệ thống sông Kôn và sông Hà Thanh. Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa môi trường biển và đất liền nên đầm Thị Nại có sự phân bố hệ thống rừng ngập mặn, thảm cỏ biển lớn, tạo vùng cư trú, kiếm ăn, bãi sinh sản và vườn ươm ấu trùng của nhiều loài thủy sản có giá trị và có tính đa dạng sinh học rất cao. Hệ sinh thái trong đầm khá phong phú và đa dạng với 119 loài cá, 14 loài tôm và hàng chục loài thủy sản có giá trị khác.

con-chim-tuy-phuoc-binh-dinh-2_1563764361.jpg

Nằm giữa một vùng đầm phá mênh mông với bạt ngàn rừng ngập mặn là khu sinh thái Cồn Chim rộng 480ha. Bên trên tán rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú theo mùa... Nơi đây được ví như “lá phổi xanh” của huyện Tuy Phước và TP. Quy Nhơn.

Điểm đặc biệt thú vị nằm lọt thỏm giữa 4 bề xanh ngắt trong khu sinh thái đó chính là “ốc đảo” Cồn Chim. Xóm Cồn Chim thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Xóm là nơi sinh sống của 230 hộ dân với 1.130 ngư dân có sinh kế hoàn toàn phụ thuộc vào đầm Thị Nại với các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Nhẽ ra, ở nơi thiên nhiên ưu đãi con người vô tư như vậy, môi trường sinh thái phải được bảo vệ nghiêm ngặt thì tiếc thay, trong một chuyến khảo sát trên đầm Thị Nại vào tháng 7 vừa qua, khi ghe vừa cập bến xóm Cồn Chim, đập vào mắt chúng tôi là một bãi rác với đủ các loại túi bóng, bì nhựa, hộp xốp… cả những con cá chết nổi trên mặt nước, chỉ nhìn bằng con mắt mỹ quan thôi cũng đã thấy cộm quạm, chưa nói đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Người đàn ông chúng tôi gặp đang cố gắng vớt những con cá chết cùng rác rưởi lên khỏi mặt ao. Ông là Nguyễn Thái Hoàng, có ao nuôi tôm, cá, cua quảng canh tổng hợp với diện tích 3,2ha. Ông Hoàng chia sẻ, 5 năm trở lại đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản của bà con tại đầm Thị Nại rất bấp bênh do dịch bệnh thường xuyên xảy ra, có thể nguyên nhân từ việc ô nhiễm nguồn nước.

anh-1-2-.jpg
Khu sinh thái Cồn Chim có hệ sinh thái đa dạng và phong phú cần được bảo tồn và phát triển. Ảnh: Nguyễn Dũng

Chúng tôi mang băn khoăn về rác trao đổi với Xóm trưởng xóm Cồn Chim Hồ Văn Nhân, ông cho biết: “Rác thải sinh hoạt của bà con trên Cồn hiện chưa thu gom, xử lý được và thường bị vứt xuống đầm. Thêm vào đó là rác thải do dân cư ở các xã ven đầm thải xuống, khi nước lớn, nước ròng, rác thải theo dòng chảy và hướng gió tấp vào những khu vực trống ở Cồn Chim.

Lãnh đạo huyện và tỉnh đã yêu cầu xử lý rốt ráo rác thải ở Cồn Chim, nhưng vấn đề bế tắc ở chỗ: cần có một chỗ trống để tập kết rác ở trong xóm, rồi xử lý đốt hoặc mang qua phía đất liền. Với lượng rác thải ra hiện nay ở xóm Cồn Chim, cần thu gom ít nhất 3 lần/tuần, trong khi đó, con đường vào xóm Cồn Chim nhỏ hẹp, chỗ tập kết rác rộng rãi không có. Bên cạnh đó, chi phí thu gom và trung chuyển rác bằng ghe qua đất liền xử lý cũng khá cao”.

rac.jpg
Bài toán nan giải về vấn đề rác thải tại Cồn Chim

Cách đây hơn 30 năm, rừng ngập mặn tự nhiên ở đầm Thị Nại gần như bao phủ 500ha diện tích, nhưng nhu cầu mưu sinh hạn hẹp đã khiến rừng giảm xuống còn 50ha vào năm 2005. Con người đã chặt phá rừng không thương tiếc để làm ao nuôi tôm khiến hệ sinh thái đầm thay đổi, mất đa dạng sinh học dẫn đến các loài chim trú ngụ ở rừng cũng giảm đi rất nhiều. Gần đây, tỉnh Bình Định đã triển khai dự án khai thác sử dụng hợp lý vùng Cồn Chim, trồng 80ha rừng ngập mặn tập trung, trồng phân tán ở xung quanh 500 - 600ha các ao tôm. Phá thì dễ nhưng trồng thì khó. Hệ lụy môi trường từ việc can thiệp thô bạo vào tự nhiên là là bài học mà mỗi chúng ta cần phải nhớ một nguyên tắc nằm lòng đó là, tạo dựng sinh kế phải hài hòa với tự nhiên.

Quay lại bài toán nan giải về vấn đề rác thải tại Cồn Chim, theo tôi, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại Cồn Chim không quá khó nếu chính quyền địa phương và cộng đồng ngư dân ở Cồn Chim thực sự quyết tâm. Mục tiêu trước mắt là cần chấm dứt tình trạng rác thải sinh hoạt ở Cồn Chim bị vứt xuống đầm Thị Nại. Ở đây không có bãi để chôn lấp, xử lý đốt thì ô nhiễm. Cồn Chim chỉ cách đất liền (bến Vinh Quang 2) khoảng 500m, vì vậy vận chuyển rác thải qua đất liền để xử lý là phương án tối ưu.

rac-1.jpg
Rác thải sinh hoạt ở Cồn Chim bị vứt xuống đầm Thị Nại

Tuy nhiên vấn đề là cần giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, do đó, người dân Cồn Chim có thể học tập mô hình tiếp cận không rác mà nhiều nơi đã thực hiện thành công như ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cồn Sơn (Cần Thơ)… Những phương pháp xử lý rác hiệu quả có thể áp dụng đó là phân loại rác tại nguồn, tái chế (thu mua ve chai...); tái sử dụng (làm phân compost, nước rửa chén đối với rác thực phẩm, hữu cơ); ép thành dạng cục/bánh nhỏ đối với rác khó phân hủy.

Vị trí tập kết rác thải cũng không quá lớn, khoảng 20 - 30m2 (có thể bơm cát, cơi nới tạo mặt bằng), có khu riêng để tập trung rác tái chế và rác khó phân hủy, rác nguy hại. Lượng rác này có thể thu gom 1 lần/tuần. Về đội ngũ thu gom rác, cần khoảng 2 lao động địa phương với 2 xe rác loại nhỏ để di chuyển thu gom ở các con hẻm trong xóm (10 thùng rác sẽ được đặt trong lối xóm). Về phương tiện trung chuyển rác, địa phương cần đầu tư một ghe chuyên chở rác. Theo tôi tìm hiểu, nếu mua lại ghe gỗ cũ hiện nay thì giá không quá 25 triệu nhưng chất lượng khá tốt.

Như vậy, tất cả chi phí đầu tư trang thiết bị ban đầu cho 2 xe thu gom rác loại nhỏ, 10 thùng rác và một ghe trung chuyển rác sẽ không quá 60 triệu đồng. Các hộ dân ở xóm Cồn Chim có trách nhiệm đóng tiền thu gom rác. Số tiền đó sẽ được sử dụng để chi trả cho 3 lao động thu gom, trung chuyển rác tại xóm Cồn Chim. Phần còn thiếu được bù từ nguồn ngân sách địa phương.

dji_0147-scaled.jpg
Vẻ đẹp Cồn Chim

Thêm vào đó, mục tiêu trọng tâm và lâu dài cần được địa phương chú trọng là thay đổi tư duy quản trị địa phương, phát huy sức mạnh “nội lực” của cộng đồng ngư dân xóm Cồn Chim. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cùng với việc ban hành những quy định tại địa phương để tiết giảm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa và tiến tới nói không với việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; Nâng cao ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường, từ đó thúc đẩy ngành kinh tế du lịch cộng đồng, lưu trú xanh, tour tham quan, học tập xem chim, đánh bắt gần bờ, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nuôi trồng thủy sản tổng hợp thân thiện với môi trường, để tăng thu nhập cho người dân bản địa, dần loại bỏ các loại hình đánh bắt xâm hại hệ sinh thái đầm, phát triển sinh kế bền vững. Có thể nói, Cồn Chim bạt ngàn rừng xanh cùng nguồn lợi thủy sản phong phú hay là “Cồn Rác” ô nhiễm và dịch bệnh, tất cả phụ thuộc vào lựa chọn của người dân trên “ốc đảo”.

Câu chuyện Cồn Chim là một ví dụ điển hình cho thực trạng xả rác thải nhựa ra biển ở Việt Nam. Theo thống kê, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ hoạt động trên đất liền. Mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó có khoảng 730.000 tấn bị thải ra biển, đứng thứ 4 thế giới về việc xả rác thải nhựa ra môi trường. Thường thì người ta không nghĩ đến hậu quả mà mình gây ra cho đến khi vào mùa bão lụt, người dân tại các vùng ven biển ở các tỉnh thành trên cả nước phải đối mặt với cảnh sống chung với những bãi rác thải lộ thiên hôi thối, ô nhiễm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh do rác từ khắp nơi theo sóng tấp ngược vào bờ.

Tại khu vực biển Vịnh Quy Nhơn, các tổ chức cộng đồng đang nỗ lực ngày đêm để bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rạn san hô. Các mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng rất cần thiết được nhân rộng triển khai, không chỉ ở Bình Định mà trên phạm vi cả nước.

Ái Trinh - Địa chỉ: Chi cục Thủy sản Bình Định, 110 Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn, Bình Định

Ái Trinh