Bình Thuận: Tăng khả năng chống chịu BĐKH cho hộ nghèo
(TN&MT) - Sau 2 năm triển khai thực hiện Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều hộ gia đình ở tỉnh Bình Thuận đã tiếp cận phương thức canh tác mới mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Tăng cường khả năng thích ứng
Trong những năm qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến tình trạng khô hạn diễn biến nặng nề tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, BĐKH còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó, căn cứ vào việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của BĐKH, Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund - GCF) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức thực hiện Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do BĐKH” tại huyện Hàm Thuận Nam và Đức Linh, thời gian thực hiện từ tháng 6/2021 - 6/2026.
Dự án tạo điều kiện cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có phụ nữ làm trụ cột và người dân tộc thiểu số được tham gia trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, hướng tới đảm bảo quyền tiếp cận công bằng tới nguồn nước, khuyến khích áp dụng các giải pháp nông nghiệp chống chịu BĐKH, tăng cường phổ biến thông tin về khí tượng nông nghiệp, tạo cơ hội tiếp cận thông tin thị trường và các nguồn tín dụng.
Đồng thời, thúc đẩy sự chuyển đổi cách thức sản xuất quy mô nông hộ nhỏ từ các biện pháp ngắn hạn, mang tính đối phó sang các biện pháp mang tính tổng hợp, có sự phối hợp giữa các bên liên quan thông qua quản lý nguồn nước, sản xuất chủ động dựa trên thông tin rủi ro khí hậu.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết: Để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác ứng phó với BĐKH, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch tổng thể Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do BĐKH”. Trong đó, tỉnh Bình Thuận tập trung thiết lập kết nối từ cơ sở hạ tầng thủy lợi tới ruộng của các hộ nghèo và cận nghèo để giúp họ đối phó với tình trạng biến động lượng mưa và hạn hán ngày càng tăng.
Cụ thể, tỉnh Bình Thuận tổ chức thiết kế và xây dựng 216 hệ thống kết nối và phân phối, trong đó có lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị thủy lợi để ứng phó BĐKH; tập huấn cho 216 hộ nghèo và hộ cận nghèo sử dụng thiết bị tưới nước và bảo dưỡng hệ thống dựa trên thông tin về rủi ro khí hậu; triển khai xây dựng và nâng cấp 192 ao chống chịu với BĐKH.
Đồng thời, tổ chức tập huấn cho hơn 1.082 hộ nghèo và cận nghèo về quản lý tài nguyên nước, thích ứng với BĐKH để tăng nguồn cung nước; nâng cao năng lực của nông hộ nhỏ trong việc áp dụng các phương thức và công nghệ tưới tiết kiệm nước nội đồng nhằm tối đa hóa năng suất nước để ứng phó với sự biến động về lượng mưa và hạn hán.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức tập huấn cho 60 cán bộ khuyến nông và 2.575 nông dân về quản lý đất và sinh khối nhằm tăng cường khả năng giữ ẩm, nạp nước ngầm và năng suất nước để đối phó với nguy cơ BĐKH với an ninh nguồn nước trên địa bàn; đồng thời, tổ chức lắp đặt hệ thống sử dụng tiết kiệm nước nội đồng cho 649 nông hộ nhỏ.
Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tổ chức tập huấn cho các nông hộ nhỏ về cách thức vận hành và bảo dưỡng công nghệ tiết kiệm nước; tăng khả năng chống chịu về sinh kế cho các hộ nhỏ thông qua sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH và tiếp cận với thông tin khí hậu, tài chính, thị trường; tăng cường các hệ thống và thực hành canh tác thích ứng với BĐKH cho các hộ sản xuất nhỏ thông qua các lớp học thực hành.
Tạo sinh kế bền vững cho người dân
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, sau 2 năm thực hiện Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do BĐKH đã mang lại kết quả tích cực, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng phó với BĐKH, nông nghiệp bền vững đã phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cụ thể, 02 huyện Hàm Thuận Nam và Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) là các huyện miền núi nên thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán. Do đó, trong khuôn khổ của Dự án, ngoài việc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước..., các cơ quan chức năng của địa phương còn tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, thích ứng với BĐKH.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao hiểu biết của nông dân về dinh dưỡng cho cây trồng, sử dụng phân bón trong trồng trọt, đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách, từ đó đạt hiệu suất tối đa năng suất cây trồng, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời hạn chế nguy cơ sử dụng phân bón gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Bà Mang Thị Sính (xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam) chia sẻ: "Trong những năm qua, nhờ địa phương phát động phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất kém năng suất, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 100% đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngô và cây thanh long, trong quá trình canh tác chúng tôi cũng đã được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và được hướng dẫn chi tiết hơn về việc sử dụng thuốc trừ sâu phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng nên các vụ thu hoạch đều đạt năng suất cao, giúp gia đình ổn định cuộc sống”.
Cùng chung niềm phấn khởi, bà Phạm Thị Thái (xã Đông Hà, huyện Đức Linh) cho hay: “Trước đây gia đình tôi trồng cây hồ tiêu, những năm gần đây, thời tiết không thuận lợi nên cây thường xuyên bị chết và năng suất thấp. Do vậy, sau khi được địa phương hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách để trồng cây măng tây xanh kết hợp với chăn nuôi bò, dê. Sau một thời gian chăn nuôi sản xuất, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế khả quan hơn, cuộc sống gia đình tôi dần dần ổn định và phát triển”.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận nhận định: Việc thực hiện Dự án không chỉ giúp người dân địa phương tích cực chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, mà còn có khả năng tăng năng suất, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường, giúp người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS tạo được nguồn sinh kế bền vững, cải thiện được đời sống. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Nông nghiệp phát triển, góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.