Xã hội

Ninh Bình: Nâng cao chất lượng các dự án an sinh xã hội cho hộ nghèo 

Bảo Hà 09/08/2023 - 15:19

Quan tâm nhiều hơn tới công tác an sinh xã hội (ASXH) với các hoạt động thiết thực vì người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh vùng khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật, nỗ lực giảm nghèo bền vững và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn... là những gì tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, vì sự phát triển bền vững của xã hội.

xdgn-1.png
Quang cảnh Lễ khánh thành và bàn giao nhà cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Láng.

Thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo

Để nâng cao nhận thức trong nhân dân về chương trình xóa đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng vào cuộc. Từ đầu năm 2023, UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Với vai trò cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực xã hội như: Bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em... thời gian qua Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình đã khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm tốt công tác ASXH, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tại địa phương đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong Nghị quyết của cấp ủy, Chương trình hành động của chính quyền từng giai đoạn, hằng năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện tổ chức bộ máy và cơ chế điều hành; chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn nghèo, xã nghèo qua các giai đoạn; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đặc thù của địa phương; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; huy động tối đa nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ theo dõi công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là cán bộ ở cấp xã.

Kịp thời cấp kinh phí bổ sung cho công tác giảm nghèo 

Để phủ khắp chính sách an sinh xã hội tới những đối tượng được hưởng chính sách, cùng với việc triển khai các, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, chính sách bảo hiểm xã hội… UBND tỉnh đã Quyết định cấp bổ sung ngân sách tỉnh năm 2023 với tổng kinh phí 41.550 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 500 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

3.png
UBND tỉnh đã Quyết định cấp bổ sung ngân sách tỉnh năm 2023 hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 500 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh

Đến nay, 100% người nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được cấp thẻ BHYT, hàng ngàn người nghèo đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, ĐTN, GQVL, qua đó từng bước thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Bình giảm dần qua các năm. Tính từ năm 2022, Tổng số hộ tự nhiên: 314.527 hộ, tổng số hộ nghèo: 7.438 hộ; Tỷ lệ: 2,36%, hộ cận nghèo: 8.829; Tỷ lệ: 2,81%, hộ có mức sống trung bình: 93.570 hộ; Tỷ lệ: 29,75%

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Bình tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả như hỗ trợ, đi thăm, tặng trên 150 ngàn suất quà, trị giá gần 61,5 tỷ đồng cho các đối tượng người có công với cách mạng, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác. Trong đó chúc thọ, mừng thọ tặng trên 22 ngàn xuất quà trị giá 8,1 tỷ cho người cao tuổi; 40 ngàn xuất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; 1.533 xuất quà cho đối tượng bảo trợ xã hội; 7.382 xuất cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác…

Hiện nay, các cơ quan, ban, ngành đang tích cực phối hợp tập trung vào các Dự án: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều, Nâng cao năng lực và Giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Ngoài ra, tiếp tục cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội; kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến.

2.png
Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo.

Cùng với công tác giảm nghèo, các công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, NCC, công tác bảo trợ xã hội, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp cho 2.000 người đại diện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh để lắng nghe đồng thời tiếp thu những tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai, thực hiện các chính sách giảm nghèo để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Ngoài ra, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Vận động, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách ASXH; tập trung hỗ trợ người yếu thế có việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện việc làm thông qua vay vốn tạo việc làm, tiếp cận thông tin thị trường lao động, dạy nghề, nhất là quan tâm đến người dân trong vùng bị thu hồi đất. Các chính sách giảm nghèo tập trung vào việc hỗ trợ nguồn lực về sản xuất để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Bảo Hà