TP. Cam Ranh - Khánh Hòa : Hiệu quả thiết thực của mô hình “giúp nhau giảm nghèo bền vững”
“Giúp nhau giảm nghèo bền vững”, là mô hình mà các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền và Hội Nông dân của TP.Cam Ranh xây dựng, triển khai giai đoạn 05 năm (2019 – 2023). Điều đáng nói là, mô hình này sau khi làm điểm, đã được phổ biến và triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, cụ thể không mang tính phong trào, hình thức.
TP. Cam Ranh có 15 xã, phường. Mỗi xã, phường lại có điều kiện, hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau, nhưng có một điểm chung là sự quyết tâm của tất cả cán bộ các ban ngành và của cả cộng đồng dân cư trong việc hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế. Vì vậy mà những kết quả đạt được trong 05 năm qua từ mô hình này rất khả quan.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng nghèo và “cận nghèo” của các hộ dân ở TP. Cam Ranh là thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Thấy rõ được nguyên nhân rất phổ biến và mấu chốt này, mô hình “giúp nhau giảm nghèo bên vững” tập trung giải quyết, tháo gỡ vấn đề vốn vay sau khi đã thẩm định, phân loại từng đối tượng cụ thể. Từ đó, giúp các đối tượng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, nhất là không để xảy ra tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả, không trả được nợ vay. Nhờ đó, các hộ nghèo, cận nghèo ở vùng nông thôn tuy vốn nay không nhiều, mỗi hộ bình quân chỉ cần vay từ 05 đến 10 triệu đồng. Với đồng vốn này, chưa thể giúp các hộ dân có mức thu nhập cao, nhưng giúp đời sống của họ dần ổn định, từ đó mà vươn lên thoát khỏi ngưỡng “cận nghèo”.
Những năm qua, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giải ngân cho gần 400 hộ nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh, với số vốn được vay hơn 12 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, Hội Nông dân của TP. Cam Ranh đã chủ động phối hợp với ngành ngân hàng tại địa phương thực hiện tốt chương trình phối hợp với nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH trên 206.715 triệu đồng với 5.333 hộ vay. Được hỏi, làm thế nào để việc cho vay vốn đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả từ đó mà “giảm nghèo bền vững” ? Bà Dương Nữ Duy Hiền chủ tịch Hội Nông dân TP. Cam Ranh cho biết “Hội Nông dân thành phố đã tiến hành khảo sát các dự án, hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các dự án, hộ dân có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện nhằm phát huy tính hiệu quả của nguồn vốn, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cho hộ vay quản lý, sử dụng có hiệu quả.”.
Hiệu quả thiết thực của mô hình “giúp nhau giảm nghèo bền vững” ở TP. Cam Ranh – Khánh Hòa rất đáng ghi nhận và khích lệ. Đó là, nhiều hộ dân sử dụng vốn vay có hiệu quả trong phát triển sản xuất kinh doanh thoát nghèo, vươn lên khá giàu, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Có thể kể ra những gương điển hình như: HTX trồng Táo Cam Thành Nam với nguồn vốn 650 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của thành phố và tỉnh, đã đầu tư vốn mua sắm, trang thiết bị để trồng táo theo tiêu chuẩn VietGap bao lưới ngăn chặn Ruồi vàng, không sử dụng thuốc BVTV, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng táo tăng từ 5 tấn quả/sào/vụ lên 8 tấn quả/sào/vụ, giảm chi phí và công lao động.
Nhiều nông dân trồng táo xã Cam Thành Nam đã học tập và ứng dụng cách làm này, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương; Tổ Hợp tác sửa chữa tàu thuyền của ông Nguyễn Ngọc ở phường Cam Phúc Nam, với nguồn vốn 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc để kinh doanh, hàng năm cho thu lợi 1,3 – 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 8 - 10 lao động thuộc hộ nghèo có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đặc biệt Tổ Hợp tác này còn thường xuyên vận động người dân dọn vệ sinh môi trường biển trong khu vực….
Đến nay có thể khẳng định mô hình “Giúp nhau giảm nghèo bền vững” ở TP Cam Ranh – Khánh Hòa thành công, sát thực tế, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ có mô hình này mà nhiều cá nhân đã thoát nghèo bền vững, đồng thời giúp đỡ các hộ nghèo khác cùng biết cách thoát nghèo. Nhiều tấm gương như hộ ông: Mấu Trọng là người dân tộc Rắc lây, đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, nên năng suất cây trồng và vật nuôi của Ông luôn đạt cao nhất vùng, kết hợp dịch vụ làm đất, vận chuyển cho thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng /năm. Sau khi có thu nhập ổn định ông đã giúp cho các hộ khác trong thôn bằng việc cho vay vốn không tính lãi. ông còn cung cấp giống tốt, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi theo kỹ thuật, kinh nghiệm mà ông được tập huấn v.v....
Từ kết quả thực tiễn của mô hình “giúp nhau giảm nghèo bền vững” trong những năm qua ở Tp Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã thấy rõ, muốn phát huy hiệu quả của các chính sách giảm nghèo phải biết kết hợp chặt chẽ các yếu tố như :vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cùng với ý thức của chính các hộ dân tại những vùng nghèo có khát vọng muốn vươn lên thoát nghèo.