Quản lý chất thải rắn

TP. Vũng Tàu: Hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho các cơ sở thu gom rác tái chế

Linh Nga 09/08/2023 - 13:48

(TN&MT) - Mới đây, UBND xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Công ty TNHH Đại chúng Hóa dầu SCG (SCGC) và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã tổ chức lớp tập huấn, hỗ trợ năng lực nghề nghiệp cho các chủ vựa phế liệu và người thu gom rác tái chế trên địa bàn thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Buổi tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án “Phân loại rác tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” đang được triển khai tại TP. Vũng Tàu.

a-1-trao-trang-thiet-bi-bao-ho.png
Đại diện UBND xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu), Công ty TNHH Đại chúng Hoá dầu SCG (SCGC) và Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn (LSP) trao tặng bảo hộ lao động cho người thu gom rác

Tham gia buổi tập huấn, những người thu gom rác sinh hoạt, các chủ cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu đã được hướng dẫn phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và các kỹ năng về an toàn lao động trong hoạt động thu gom rác, cũng như tìm hiểu kiến thức về kinh doanh có trách nhiệm với môi trường.

Đồng thời, cơ sở thu mua phế liệu cũng được hướng dẫn thủ tục và quy trình đăng ký giấy phép kinh doanh hợp lệ, bao gồm: Yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy, đăng ký môi trường đối với cơ sở thu mua phế liệu hoạt động trên địa bàn. Đây là bước quan trọng để các cơ sở thu mua phế liệu trở thành nhà cung cấp phế liệu chính thức cho các đơn vị tái chế. Hơn nữa, còn có cơ hội tiếp cận với các hoạt động vay vốn từ chính quyền địa phương trong tương lai.

a-2-trao-bang-hieu.jpg
Trao biển hiệu cho cơ sở thu mua rác tái chế có uy tín, năng lực

Ông Ngô Văn Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Dự án “Phân loại rác tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” đã được triển khai thực hiện tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu từ năm 2020. Giai đoạn đầu dự án này được triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Long Sơn 1 và Trường Tiểu học Long Sơn 2.

Về hình thức thực hiện: Mỗi lớp được bố trí 2 thùng rác (1 thùng rác tái chế, 1 thùng rác khác). Rác sinh hoạt sẽ được học sinh thu gom tại lớp và sau mỗi ngày sẽ chuyển ra khu tập kết rác của trường và bỏ riêng tại 2 thùng. Tại khu tập kết rác sẽ bố trí thêm 1 thùng đựng rác hữu cơ để đựng rác của bếp ăn nhà trường.

Sau phân loại, rác tái chế sẽ được 01 phụ huynh sinh sống gần trường phụ trách, kết hợp Công ty Gia Linh thu gom; rác hữu cơ được giao cho hộ gia đình làm thức ăn chăn nuôi hoặc thí điểm mô hình sản xuất phân compost; rác khác được Công ty Gia Linh thu gom về các trạm trung chuyển rác và giao cho đơn vị xử lý rác thải.

Tiếp theo đó, dự án được mở rộng tại thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Hình thức thực hiện là hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng di động mGreen để thu thập dữ liệu phân loại chất thải, tích điểm, đổi quà…; khuyến khích người dân tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại: chất thải hữu cơ, chất thải tái chế và chất thải khác, trong đó, chất thải tái chế được thu đổi theo 3 cách: Định kỳ, hằng ngày và theo yêu cầu và có thể đổi thành tiền mặt, quà tặng hoặc điểm thưởng, với giá thành cao hơn giá thị trường…

a-3-trao-bang-hieu.jpg
Một điểm thu mua rác tái chế thuộc chương trình

Ông Ngô Văn Quả cho rằng: Với những kết quả dự án mang lại, đã và đang giúp công tác bảo vệ môi trường của địa phương chuyển biến tích cực. Tuy vậy, để giữ gìn môi trường luôn xanh - sạch - đẹp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao thì mỗi người dân địa phương phải là những người tiên phong trong việc thay đổi tư duy, thay đổi thái độ với các hành vi làm tổn hại đến môi trường để bảo vệ chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Sau buổi tập huấn, Công ty SCGC và Công ty LSP đã trao tặng trang thiết bị bảo hộ lao động cho người thu gom rác; trao biển hiệu cho một số vựa phế liệu có giấy phép để quảng bá thương hiệu và tuyên truyền tới người dân, giúp cộng đồng dân cư xác định được những đơn vị thu mua rác tái chế có uy tín, năng lực, bảo vệ môi trường.

Linh Nga