Xã hội

Ứng phó sạt lở ở Bến Tre: Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Bạch Thanh 07/08/2023 23:45

(TN&MT) - Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã và đang tập trung nhiều giải pháp ứng phó nhằm giúp ổn định đời sống dân sinh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

nh hưởng đời sống dân sinh

Bến Tre là một tỉnh ven biển có đường dài bờ biển hơn 65km và được bao bọc, bồi đắp phù sa từ bốn con sông lớn với tổng chiều dài khoảng 300km; ngoài ra, toàn tỉnh còn có 46 kênh rạch chính nối các sông lớn thành một mạng lưới chằng chịt với tổng chiều dài hơn 2.367km. Với đặc điểm địa hình như vậy, tỉnh Bến Tre thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như: xâm nhập mặn, triều cường, nhất là tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Trong những năm qua, bờ biển Cồn Ngoài thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri là một trong những khu vực sạt lở diễn ra nhanh và mang tính phức tạp nhất của tỉnh Bến Tre. Vì thế, đa số người dân vùng ven biển nơi đây có cuộc sống còn khó khăn với nghề nuôi thủy sản, trồng hoa màu trên đất giồng cát. Việc xói lở mất nhà, mất đất càng gây gánh nặng, khó khăn chồng chất cho người dân địa phương.

h1.jpg
Sạt lở làm mất đất, mất rừng, mất tài sản của người dân vùng ven sông, ven biển

Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết: “Cồn Ngoài có 68 hộ dân, trong đó 31 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ biển, nhiều nhà dân phải di dời vào đất liền. Hàng năm, biển xâm thực vào đất liền khoảng vài chục đến cả trăm mét, làm mất 21ha đất sản xuất. Chính quyền địa phương chỉ vận động người dân làm kè tạm để bảo vệ tài sản, đất đai và rất mong được sớm đầu tư làm bờ kè kiên cố để giúp ổn định cuộc sống người dân”.

Theo ngành chức năng Bến Tre, trong khoảng 10 năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh trên địa bàn. Qua thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134km. Trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm với tổng chiều dài khoảng 115km gây ảnh hưởng nhà ở, mất đất sản xuất của khoảng 700 hộ dân; sạt lở bờ biển 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 19km đã làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ ven biển.

ớng đến phát triển bền vững

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển tại tỉnh hầu như ít phát sinh mới, tuy nhiên mức độ sạt lở có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện tại, những khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở như: bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; khu vực các cồn: Tam Hiệp (Bình Đại), Phú Đa (Chợ Lách), Thành Long (Mỏ Cày Nam); và khu vực ven các sông lớn trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Bùi Văn Thắm, trước tình sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp, Bến Tre đã tập trung huy động mọi nguồn lực tập trung thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở để sớm đảm bảo an toàn về người và tài sản của người dân, góp phần ổn định hoạt động dân sinh và kinh tế trong khu vực. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, địa phương đã đầu tư xây dựng 22 dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 37km, kinh phí thực hiện 1.143 tỷ đồng.

h2.jpg
Bến Tre đầu tư công trình phòng chống sạt lở nhằm phục vụ phát triển bền vững

Đặc biệt là tổ chứctuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức và người dân về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre, các ngành và địa phương đã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tăng cường thông tin, cảnh báo các khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở; đồng thời thực hiện tốt việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven sông, ven biển; đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với ổn định sinh kế cho người dân.

Còn theo UBND tỉnh Bến Tre, để nhằm ổn định đời sống dân sinh trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Trong đó, ngành Xây dựng của tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch di dời, giải tỏa công trình dân dụng và công nghiệp nằm trong khu vực ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở; tổ chức thực hiện sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống dân sinh.

Đối với Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre thì tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong phòng, chống sạt lở thông qua đề tài nghiên cứu công nghệ chế tạo đê mềm trên cơ sở vật liệu cốt sợi phủ polyme nhiệt đới hóa, chống sạt lở, bảo vệ các công trình quốc phòng và dân sinh của tỉnh. Hiện tại, Sở này đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp hiệu quả trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Riêng với ngành TN&MT Bến Tre cũng đã tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là cát lòng sông tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở; đồng thời tăng cường quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển, xác định mốc hành lang bảo vệ bờ sông, hành lang an toàn khu vực sạt lở trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Bạch Thanh