Môi trường

Hoạt động của con người kết hợp với mưa lớn cực đoan gây sạt lở đất nghiêm trọng tại Lâm Đồng

Đặng Thanh Bình 06/08/2023 20:45

(TN&MT) - Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, thiên tai làm 51 người chết, 52 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 881,1 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tỉnh Lâm Đồng trong 7 tháng đầu năm, do ảnh hưởng thời tiết cực đoan khiến địa phương thường xảy ra mưa lớn, lốc xoáy và liên tiếp xảy ra sạt lở khiến 9 người chết, ước tính thiệt hại hơn 23 tỉ đồng.

1111.jpg
Hiện trường vụ sạt lở xảy ra tại đèo Bảo Lộc (thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai), tỉnh Lâm Đồng

Tính từ trung tuần tháng 6 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, sụt lún đất và ngập úng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân.

Theo Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng, tổng lượng mưa toàn tỉnh trong tháng 6/2023 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20 đến 90%. Trong tháng 7/2023 khu vực phía Bắc, phía Nam và Tây Nam tỉnh phổ biến cao hơn TBNN từ 31 đến 100%.

Trong đó xuất hiện nhiều đợt mưa lớn cực đoan điển hình như, lượng mưa tính từ 20h ngày 29/7 đến 15h ngày 30/7 tại: Đèo Bảo Lộc đạt 196.0mm, B’Lá-Bảo Lâm đạt 136.0mm, Lộc Thành-Bảo Lâm đạt 132.8mm, Thị trấn Đạ M’Ri- Đạ Huoai đạt 130.2mm, Lộc Phú-Bảo Lâm đạt 126.4mm, Đại Lào-Bảo Lộc đạt 122.0mm, Lộc Tân-Bảo Lâm đạt 113.6mm, Rô Men-Đam Rông đạt 102.0mm...

Ngày 18/6, mưa lớn đã gây ra vụ sạt lở đất tại phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Căn nhà của một gia đình bị đất vùi lấp khiến ông Nghiêm Đình Quang (40 tuổi) tử vong; bà Nguyễn Ngọc Lan (35 tuổi, vợ ông Quang) bị thương. Vụ sạt lở cũng làm ảnh hưởng đến khoảng 15 hộ dân trong khu vực, trong đó có 5 hộ bị uy hiếp nghiêm trọng khiến nhà cửa, tài sản có thể bị vùi lấp bất cứ lúc nào.

Sau đó, rạng sáng 29/6, bờ taluy bê tông chắn đất đã bị sạt lở, dẫn đến sạt lở đất và sụp đổ công trình tại hẻm 15/2 Yên Thế xuống hẻm 36 Hoàng Hoa Thám. Hậu quả làm 1 ngôi nhà kiên cố và 1 lán trại công nhân bị phá hủy hoàn toàn và vùi lấp. Ba ngôi nhà từ 2- 4 tầng khác bị vùi lấp 1 phần, đổ nghiêng, hư hỏng nghiêm trọng. Vụ việc trên đã làm 2 công nhân xây dựng đang ngủ trong lán trại thiệt mạng, 5 người ở trong ngôi nhà khác bị thương.

Từ ngày 28/7, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là tại các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Đến khoảng 15 giờ 30 ngày 30/7, tuyến Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục khối đất đá sạt lở, vùi lấp một phần Trạm Cảnh sát Giao thông đóng trên đèo. Đến 22 giờ ngày 30/7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 3 nạn nhân bị vùi lấp là Cán bộ chiến sỹ Công an; lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm một người dân là chiến sỹ nghĩa vụ mới ra quân.

Ths Lê Xuân Cầu, nguyên Cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường cho biết: Thông thường sạt lở xảy ra tại nơi có độ dốc mặt đất lớn, là nơi dễ tích tụ nước dưới đất và phải có nguồn cung cấp nước đủ lớn (lưu vực nước ngầm đủ lớn), đất có độ kết dính không cao. Đó là nơi nước dưới đất chảy chậm lại và đường dòng hội tụ sẽ gây tích tụ nước và mực nước dưới đất sẽ dâng khi có nguồn cung nước đến.

Cả hai nơi xảy ra sạt lở tại Lâm Đồng: Đèo Bảo Lộc và Phường 10, TP Đà Lạt đều không phải là nơi thỏa mãn các điều kiện trên. Trên bản đồ nguy cơ sạt lở đất (từ phân tích địa hình và thủy văn học) khẳng định khả năng cao sạt lở đất tại hai vị trí trên không do điều kiện tự nhiên gây ra. Dự đoán nguyên nhân do hoạt động của con người kết hợp với mưa lớn cực đoan làm mực nước dưới đất tăng cao bất thường gây ra sạt lở.

“Cách phòng tránh là tại các nơi không phải là nơi dễ tích tụ nước dưới đất cần có biện pháp thoát nước dưới đất để hạn chế nước ngầm dâng cao nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra sạt lở đất. Trước mắt chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng chủ động phòng chống thiên tai”, Ths Lê Xuân Cầu khuyến cáo.

Đặng Thanh Bình