Môi trường

Sụt lún, sạt trượt đất xảy ra liên tiếp tại Đắk Nông và Lâm Đồng: Chuyên gia địa chất chỉ rõ “thủ phạm”

Mai Đan 03/08/2023 21:31

(TN&MT) - Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường vào tối 3/8, PGS.TS. Trần Tân Văn, chuyên gia địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT đã chỉ chỉ rõ “thủ phạm” Sụt lún, sạt trượt đất xảy ra liên tiếp tại 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng những ngày qua. 

a-van.jpg
PGS.TS. Trần Tân Văn, chuyên gia địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT. 

Mưa kéo dài là “thủ phạm”

Được biết, tại Đắk Nông, sự cố sạt lở từng xảy ra trên địa bàn, như tại đường vào thác Liêng Nung vào năm 2021. Tại những nơi có địa hình dốc và các hoạt động nhân sinh như xây nhà cửa, làm mất chân sườn dốc sẽ có nguy cơ cao xảy ra trượt khi mưa lớn kéo dài ngày làm đất bão hòa cao.

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường vào tối 3/8, PGS.TS. Trần Tân Văn, chuyên gia địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Chỉ trong vài ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, hàng loạt thiên tai xảy ra trên cả nước, từ vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc Vụ (huyện Đạ Huoai) và sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực công trình xây dựng dự án hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà) - cả 2 thảm họa đều ở tỉnh Lâm Đồng - đến vụ nứt gãy địa chất tại khu vực bon Bu Krắc, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).

kiem-tra3-3421.jpg
Vết nứt lớn ở bon Bu Krắc. Ảnh: HĐ

PGS.TS. Trần Tân Văn nhận định, mưa lớn kéo dài và xảy ra trên diện rộng chính là nguyên nhân gây ra các vết nứt trong những ngày gần đây. Cụ thể, mưa lớn dài ngày làm cho đất nặng hơn, khi đó sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở. Vết nứt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở. Khi vết nứt càng lớn, khả năng trượt lở sẽ càng cao. Vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng động, tiếng động này chính là tiếng nổ mà nhiều người nghe được.

Vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt. Trên địa hình sườn dốc (thường dốc dần về phía hồ nước), vết nứt sẽ ở phía trên đỉnh khối trượt và vuông góc với khối trượt sắp xảy ra. Khi đó, nếu vết nứt rộng thêm thì khả năng trượt sẽ càng cao. Nếu vết nứt kéo dài từ 200 m đến hàng cây số trong vài ngày, đồng nghĩa rằng khối trượt đang dịch chuyển và sạt lở đất sẽ xảy ra với nguy cơ cao.

Những sườn núi, sườn đồi tự nhiên thường ít xảy ra trượt vì tất cả các quá trình xói mòn, phong hóa qua mưa, nắng, gió đã trôi dần nên sườn dốc trở nên rất thoải và đạt đến một góc độ tối ưu, rất ít khi trượt, sạt. Nhưng nếu hoạt động nhân sinh tác động vào, ví dụ làm đường, mở rộng đường, san gạt, tạo mặt bằng để làm nhà, xây đô thị, chặt cây phá rừng để trồng cây ăn quả… xảy ra thì sẽ tác động đến sườn dốc tự nhiên đó và lúc đó sườn dốc không còn tự nhiên nữa, rất dễ mất ổn định, nhất là khi mưa lớn kéo dài sẽ dễ xảy ra sạt, trượt.

Đối với vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, khu vực này là nơi chuyển tiếp giữa đồi núi và đồng bằng nên có thể địa chất không ổn định. Nếu gặp nơi vị trí đứt gãy địa chất thì có nguy cơ mất ổn định cao và cần có nghiên cứu cụ thể về những vị trí có thể xảy ra tình trạng này.

Triển khai đồng thời các giải pháp công trình và phi công trình

Từ năm 2012 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản là đơn vị chủ trì thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” (đề án). Đề án này đã tiến hành điều tra, nghiên cứu toàn diện nhằm xây dựng bản đồ cảnh báo cho tỉnh miền núi, trong đó có Lâm Đồng, Đắk Nông, nhưng Bộ đang tạm dừng đề án để điều chỉnh việc tổ chức thực hiện.

PGS.TS. Trần Tân Văn cho rằng về lâu dài, nên tiếp tục triển khai đề án này, đặc biệt ở các tỉnh miền núi Việt Nam. Kết quả của đề án sẽ cung cấp cho địa phương hiện trạng trượt lở có thể xảy ra ở đâu, từ đó xây dựng phương án quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, di dời người dân.

Chuyên gia địa chất cũng đề xuất một giải pháp khác là chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, lấy mặt bằng xây dựng. Các dự án làm đường phải khảo sát, thiết kế, thi công cẩn thận, sớm có biện pháp phòng tránh và giảm nhẹ trượt lở.

Theo PGS.TS. Trần Tân Văn, những nơi xảy ra nứt đất cho thấy dấu hiệu trực tiếp của sạt trượt nên động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời, sau đó cử cán bộ kỹ thuật đến điều tra, nghiên cứu, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt. Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao trượt lở sẽ xảy ra trong điều kiện thời tiết mưa to gió lớn, khi đó cần căn cứ độ dài vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, trên cơ sở đó thực hiện di dời phù hợp.

Sau đó, địa phương sẽ phải cân nhắc 2 phương án: 1 là khắc phục trượt lở đất, 2 là làm đường tránh. Thông thường, những giải pháp công trình rất tốn kém, nên có thể lựa chọn giải pháp phi công trình như tìm đường tránh là tốt nhất; còn nếu bắt buộc phải khắc phục bằng biện pháp công trình thì địa phương cần điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, thiết kế và thi công chuẩn mực, khi đó mới có thể đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng.

Khuya 31/7, tại bon Bu Krắc (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), lực lượng chức năng ghi nhận có 2 tiếng nổ lớn, đi kèm với sự rung chấn từ mặt đất. Đến sáng 1/8, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất. Các vết nứt có chiều dài hàng trăm mét, rộng 10 - 15 cm. Đến ngày 2/8, vết nứt kéo dài đến bon Bu Prăng (nằm cạnh bon Bu Krắk). UBND H.Tuy Đức đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân. Trong khi đó, trên tuyến QL14, đoạn qua TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) cũng ghi nhận vết nứt dài kéo dài khoảng 20 m. Ngay trong sáng 2/8, lực lượng chức năng đã di dời 16 hộ dân trên địa bàn P.Nghĩa Thành (TP.Gia Nghĩa) đến nơi an toàn.

Cũng trong ngày 2/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở ngành và UBND huyện Lâm Hà khẩn trương kiểm tra và xác định nguyên nhân sạt lở, sụt lún tại vị trí gần khu vực cụm công trình đầu mối thuộc dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà); lên phương án xử lý và báo cáo kết quả trước ngày 15/8. Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, thời gian mưa kéo dài suốt nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến dự án này.

Mai Đan