Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang vẽ lại biên giới giữa Thụy Sĩ và Italy như thế nào?

Theo TTXVN 03/08/2023 - 12:38

Biến đổi khí hậu đang khiến các sông băng tan chảy, dẫn đến khả năng phải vẽ lại biên giới quốc gia, nhưng cũng có nguy cơ gây ra căng thẳng ở một số khu vực trên thế giới.

Chú thích ảnh
Băng tan chảy do biến đổi khí hậu khiến cho địa hình thuộc khu vực biên giới một số quốc gia châu Âu thay đổi. Ảnh: Euractiv

Biên giới đất liền thường được coi là các đường cố định vĩnh viễn – nhưng ở các vùng núi như dãy Alps, nơi băng đang tan và tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu đang định hình lại môi trường thực địa, đôi khi chính quyền địa phương buộc phải vẽ lại bản đồ.

Tại biên giới Thụy Sĩ - Italy, ngay phía trên sông băng Theodul, nơi gắn kết các cư dân trong một môi trường kinh tế chung, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, hai đô thị xung quanh ngọn núi Matterhorn mang tính biểu tượng đang phát triển mạnh nhờ lượng khách du lịch ổn định đến thăm những cảnh đẹp của vùng và trượt tuyết trên các sườn núi cao, nơi có tuyết phủ quanh năm.

Điều này bất chấp sự tan chảy của sông băng đã làm thay đổi cảnh quan, buộc chính quyền địa phương phải xác định lại biên giới giữa hai nước.

“Sông băng đã bị thu hẹp ở phía Italy. Ở một số khu vực chỉ còn đất trống", Jérôme Perruquet, hướng dẫn viên leo núi từ Thung lũng Aosta, cho biết. Theo người hướng dẫn viên này, mức độ tan chảy của sông băng ở phía Iltay khiến cần phải thực hiện một số công việc tu sửa, dự kiến ​​sẽ sớm bắt đầu.

“Phía Thụy Sĩ sẽ đi tiên phong, mặc dù phần lớn vấn đề nằm trên lãnh thổ Italy, nhưng họ có lợi ích thương mại lớn”, ông Perruquet nói.

Khi lợi ích của cả hai nước hội tụ, các cuộc đàm phán đang diễn ra suôn sẻ. Sự can thiệp, đã được tiến hành bằng máy xúc, nhằm mục đích duy trì các hoạt động trượt tuyết xung quanh sông băng Theodul. Hướng dẫn viên địa phương cho biết: “Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ điều này” ngay cả khi sông băng “chịu một chút thiệt hại”.

Ủy ban duy trì biên giới quốc gia giữa Thụy Sĩ và Italy đã họp tại Bern trong phiên họp thường kỳ từ ngày 9 - 11/5 năm nay. Các cuộc thảo luận tập trung chủ yếu vào việc điều chỉnh biên giới ở vùng Testa Grigia/Plateau Rosa và một thỏa thuận liên quan đã được soạn thảo, theo Văn phòng Trắc địa Liên bang Thụy Sĩ, Swisstopo.

Swisstopo cho biết các thủ tục phê duyệt thỏa thuận trên “hiện đang được triển khai ở cả Thụy Sĩ và Italy” mặc dù Văn phòng này không biết khi nào thỏa thuận sẽ được công bố hoặc khi nào sẽ có xác nhận chính trị cuối cùng.

Ở các vùng núi cao của châu Âu, biên giới chính trị thường được vẽ theo các khe núi. Khi những điều này dịch chuyển do sự nóng lên toàn cầu, các đường biên giới cần phải được điều chỉnh. Swisstopo khẳng định: “Do biến đổi khí hậu và các sông băng ở Thụy Sĩ đang tan chảy nhanh chóng, chúng tôi có thể nói rằng sẽ còn nhiều trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai”.

Đối với sông băng Theodul, các điểm thu hút chính là ngọn núi Matterhorn mang tính biểu tượng và tổ chức trượt tuyết quanh năm, từ khu nghỉ mát Zermatt (1.620 m) ở phía Thụy Sĩ và Cervinia (2.050 m) ở phía Italy.

Và khi các khu nghỉ dưỡng ở độ cao thấp hơn phải vật lộn để có tuyết vì biến đổi khí hậu, sông băng Theodul đang thu hút ngày càng nhiều người trượt tuyết. Tuy nhiên, mùa hè năm 2022 là một ngoại lệ. Do sông băng tan chảy, các đường trượt tuyết lần đầu tiên bị đóng cửa cho công chúng và chỉ mở cửa cho các đội trượt tuyết thuộc đội tuyển quốc gia.

Các hướng dẫn viên chỉ ra rằng một số tảng đá ở phía Iltay không còn bị tuyết bao phủ “lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ”. Thực tế này xác nhận một xu hướng rộng lớn hơn: trong khi các sông băng lớn nhất đang bị thu hẹp do biến đổi khí hậu, thì nhiều sông băng nhỏ hơn đã biến mất hoàn toàn.

“Hiện tại chúng tôi có 1.400 sông băng ở Thụy Sĩ, trong số đó có nhiều sông băng nhỏ. Các sông băng nhỏ là những nơi đầu tiên biến mất. Chỉ trong 30-40 năm qua, chúng tôi đã mất khoảng 1.000 sông băng. Giờ đây chúng tôi đang mất đi những sông băng được coi là quan trọng", Matthias Huss, người đứng đầu Mạng Giám sát Sông băng Thụy Sĩ (GLAMOS) tại Đại học ETH Zurich, giải thích. 

Chú thích ảnh
Băng tan đi kèm với việc phát triển hạ tầng đô thị ở khu vực Zermatt, Thụy Sĩ. Ảnh: Euractiv

Với biến đổi khí hậu, băng tan cũng đi kèm với sự tan chảy của tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu (đất đóng băng, tác dụng như một chất keo kết dính giữa đá nứt và các mảnh vụn khác). tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu tan chảy chậm hơn nhưng thậm chí còn có tác động lớn hơn đối với sự thay đổi địa chất, cũng như thay đổi biên giới giữa các quốc gia.

“Nếu chúng ta nói về đá lở và lở đất, giống như vụ việc mới xảy ra tại Tyrol ở biên giới Thụy Sĩ - Áo, thì điều này có liên quan đến sự tan chảy của tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu. Các sông băng cũng có thể gây ra hậu quả như vậy, nhưng ở mức độ thấp hơn”, Giáo sư Huss giải thích.

Theo vị Giáo sư trên, tất cả trừ những sông băng có độ cao cao nhất ở dãy Alps, chẳng hạn như những sông băng trên Mont Blanc có thể biến mất vào năm 2100. Đây là trường hợp xấu nhất. Nhưng ngay cả trong trường hợp tốt nhất - ví dụ, nếu các quốc gia trên thế giới đạt được mức trung hòa CO2 vào năm 2050 - thì “2/3 lượng băng ở dãy núi Alps sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này”, Giáo sư Huss nhận định.

Trái ngược với các cuộc đàm phán đang diễn ra suôn sẻ giữa Thụy Sĩ và Italy, một tranh chấp tương tự giữa Pháp và Italy về quyền biên giới đối với dãy núi Mont Blanc có thể không tốt đẹp như vậy: các cuộc đàm phán giữa Paris và Rome, vốn đã kéo dài trong nhiều năm, sẽ cần các luật sư và chuyên gia đưa ra một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên. 

Trong tương lai, căng thẳng cũng có thể bùng phát ở các khu vực khác trên thế giới – như ở châu Á, nơi tranh chấp biên giới ở dãy Himalaya đã gây ra xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đặt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh các nguồn tài nguyên khác gia tăng, những căng thẳng như vậy e rằng sẽ khó có thể giải quyết trong hòa bình!

Theo TTXVN