Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh: Tập trung tham mưu tốt công tác quản lý
(TN&MT) - Mới đây, tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Sở TN&MT TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo thành phố quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Ghi nhận nhiều kết quả nổi bật
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, ở mỗi giai đoạn, trước yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố, Sở TN&MT TP.HCM đã làm tốt công tác tham mưu cho Thành ủy, UBND TP.HCM trong việc triển khai, phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nhằm cụ thể hóa các quy định về lĩnh vực quản lý.
Từ đó, nguồn lực đất đai của thành phố được quản lý khá tốt, chuyển dịch phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phục vụ phát triển hạ tầng đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố. Trong giai đoạn 2014 - 2021, lĩnh vực đất đai đã đóng góp hơn 177 ngàn tỷ đồng.
Cùng với đó, TP.HCM đã ban hành hơn 750 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khoảng hơn 2.800ha đất cho các mục tiêu dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Sở TN&MT đã tập trung công tác bồi thường, tái định cư cho rất nhiều dự án trọng điểm, điển hình mới nhất là thực hiện khối lượng công việc rất lớn thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Công tác bảo vệ môi trường chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội; thực hiện tốt Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Công tác xử lý rác thải được triển khai hiệu quả; nhiều dự án thu gom, xử lý nước thải để phục hồi, xanh hóa các dòng sông, kênh rạch đã triển khai, nổi bật là thành công trong việc hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Hàng Bàng, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé và tới đây là Tham Lương - Bến Cát.
Tập trung tham mưu tốt
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, thành phố hiện đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của thành phố đã tạo sức ép rất lớn về nhu cầu sử dụng tài nguyên và xử lý ô nhiễm môi trường. Một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai và bảo vệ môi trường trong thời gian qua cũng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến phát sinh các tồn đọng, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân cần sớm được khắc phục. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành TN&MT thành phố trong thời gian tới hết sức nặng nề.
Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị: Sở TN&MT TP.HCM cùng ngành TN&MT cần tiếp tục phát huy, kế thừa những thành tích, kết quả đạt được, những kinh nghiệm đã tích lũy, nhất là truyền thống đoàn kết nội bộ, tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ được giao, sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống mà các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT thành phố đã dày công vun đắp.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND thành phố quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất đai. Trong đó, tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; đẩy nhanh công tác định giá đất để tăng thu cho ngân sách và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi xanh theo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu thành nội dung, nhiệm vụ trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Đồng thời, Sở TN&MT cần tham mưu UBND TP.HCM triển khai và thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nội dung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM trong lĩnh vực TN&MT. Bên cạnh đó, Sở TN&MT tập trung tháo gỡ các dự án nhà ở nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản. Trong đó, quan tâm công tác xác định nghĩa vụ tài chính; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, Sở TN&MT TP.HCM tham mưu tốt công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ đốt rác phát điện; đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển đổi công nghệ sử dụng năng lượng sạch; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, cơ sở dữ liệu về bảo vệ môi trường… trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, Sở TN&MT TP.HCM tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu bảo vệ môi trường. Đồng thời, Sở TN&MT đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính theo hướng dễ tiếp cận, dễ thực hiện, không để phát sinh dư luận, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. “Sở TN&MT cần xây dựng hình ảnh công chức, viên chức ngành TN&MT thành phố thân thiện, chuyên nghiệp, không tiêu cực” - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặc biệt nhấn mạnh.
Bảo vệ nguồn nước các công trình thủy lợi
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt “Đề án tăng cường bảo vệ chất lượng nước công trình thủy lợi”. Theo đó, TP.HCM sẽ triển khai công tác quan trắc, giám sát chất lượng nước công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố; đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ nguồn nước các hệ thống công trình thủy lợi, kiểm soát nguồn thải, giám sát chặt chẽ và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về xả nước thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn…
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi chịu trách nhiệm thống kê nguồn nước xả thải vào các công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý; phối hợp giám sát việc thực hiện giấy phép môi trường của các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào công trình thủy lợi và báo cáo đột xuất khi có sự cố phát sinh, khi phát hiện các nguồn xả thải mới có mức độ ảnh hưởng lớn hoặc khi phát hiện các hành vi vi phạm của chủ nguồn xả thải.
Đồng thời, truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; giáo dục môi trường; phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào kiểm soát, giám sát ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống giám sát và lưu trữ thông tin SCADA, từng bước tự động hóa công tác quan trắc, cập nhật số liệu mực nước, lưu lượng, chất lượng nước trên các tuyến kênh trong các công trình thủy lợi. Tăng cường hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo vận hành hợp lý các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi.