Nhiều giải pháp quản lý cát sỏi ở Điện Biên
(TN&MT) - Trước tình trạng gia tăng hoạt động khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát sỏi lòng sông, hiện nay, Điện Biên đang triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác giám sát, quản lý hoạt động khoáng sản tránh thất thoát nguồn tài nguyên.
Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên về quản lý khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.
PV: Xin ông cho biết, thực trạng khai thác và tình hình quản lý cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay?
Ông Phạm Đức Toàn: Tỉnh Điện Biên có cấu trúc địa chất phức tạp, sông suối nhỏ, độ dốc lớn nên lượng cát rất hạn chế, chủ yếu tích đọng ở khu vực bãi bồi của sông Nậm Rốm thuộc các xã lòng chảo huyện Điện Biên và phân tán ở một số sông suối nhỏ nhưng trữ lượng hạn chế. Mặt khác, nhu cầu cát xây dựng các công trình Nhà nước cũng như các công trình dân sinh trên địa bàn tỉnh ngày một tăng, trong khi nguồn cung cấp vật liệu xây dựng của các tổ chức được cấp phép có hạn chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng người dân tự ý khai thác cát rải rác trên các lòng sông, lòng suối còn diễn ra.
Mặc dù, năm 2022, UBND tỉnh đã cấp 10 giấy phép thăm dò cát, phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho 9 điểm mỏ với tổng trữ lượng cát làm vật liệu xây dựng thông thường được phê duyệt là 460.909,7m3 và cấp 7 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Song, do công suất của các điểm mỏ được cấp phép khai thác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn, nhất là cát bê tông, nên giá thành cát ở một số huyện rất cao do chi phí vận chuyển lớn và còn xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.
Nguyên nhân do một số tổ chức chấp hành chưa nghiêm các quy định về hoạt động khai thác khoáng sản, còn để xảy ra vi phạm trong quá trình khai thác. Đồng thời, một số chính quyền địa phương chưa chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Từ đó làm hạn chế tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, tránh thất thoát nguồn tài nguyên, đảm bảo lợi ích về kinh tế, các vấn đề môi trường.
Hiện tại, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép giảm đáng kể, hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép đã được kiểm soát chặt chẽ. Nên so với những năm trước đây, hoạt động khai thác tại các huyện Điện Biên không còn là vấn đề nóng, nổi cộm.
PV: Để ngăn chặn hành vi khai thác cát sỏi trái phép của các hộ dân và quản lý tốt các doanh nghiệp khai thác đúng vị trí điểm mỏ cấp phép, tỉnh Điện Biên đã đưa ra những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Phạm Đức Toàn: Khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng là nhu cầu cần thiết của xã hội, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa giải quyết sinh kế cho một số bộ phận người dân lao động. Để quản lý hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các UBND các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương.
Riêng đối với tình trạng các doanh nghiệp khai thác vượt ranh giới được cấp phép đã được cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm, tới đây, tỉnh chỉ đạo tiếp tục theo dõi việc chấp hành các quyết định xử lý, nếu còn tái phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí thu hồi giấy phép khai thác. Việc người dân khai thác cát trái phép tại các lòng sông, suối hiện vẫn còn diễn ra, song bà con khai thác chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của gia đình, cho cộng đồng. Nội dung này tỉnh đã chỉ đạo chính quyền cơ sở tăng cường quản lý kết hợp với tuyên truyền vận động để quản lý chặt chẽ, đúng quy định. Thông qua các đợt kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác cát, sỏi đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong năm qua, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã kiểm tra xử lý vi phạm đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép, với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 195.000.000 đồng.
PV: Thưa ông! Để quản lý và khai thác cát sỏi phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên, thời gian tới, Điện Biên sẽ thực hiện những biện pháp nào?
Ông Phạm Đức Toàn: Để quản lý và khai thác nguồn tài nguyên cát tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên, thời gian tới, UBND tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản trong nhân dân. Tăng cường trách nhiệm của ngành chức năng và chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý tài nguyên, hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khi phát hiện các hành vi, vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản thì kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm theo quy định. Chỉ đạo các lực lượng chức năng, kiểm tra rà soát các khu vực khai thác cát sỏi lòng sông đã cấp phép hiện đang triển khai thực hiện…
Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi, vi phạm. Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng hoàn thành việc nghiên cứu, công bố định mức sản xuất cát nghiền nhân tạo làm cơ sở tính toán công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn và khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, bù đắp sản lượng cát tự nhiên thiếu hụt để đảm bảo cung - cầu cát tại địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!