Biến đổi khí hậu

Đắk Lắk: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế

Phạm Hoài 02/08/2023 - 18:18

(TN&MT), Với đặc thù hai mùa mưa nắng rõ rệt nên Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển nông nghiệp. Do đó, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã có những định hướng, quy hoạch cây trồng giúp người dân chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp với thời tiết nhằm tăng giá trị kinh tế.

1(2).jpg
Người dân mạnh chuyển đổi một số cây trồng phù hợp với khí hậu để tăng năng suất

Mạnh dạn chuyển đổi

Theo người dân sản xuất nông nghiệp tại huyện Krông Bông, thông thường, Tây Nguyên có 2 mùa mưa nắng, mùa khô bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, quy luật này nhiều lúc “trật đường ray”, mùa mưa kết thúc sớm, mùa khô kéo dài đã gây ra những đợt hạn hán khốc liệt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Nam, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết, vào năm 2021 thời tiết thay đổi đột ngột ảnh hưởng rất lớn đến quá trình canh tác của người dân tại địa phương. Cụ thể, mới tháng 2 âm lịch mà nước các hồ đã cạn và vườn cây thiếu nước tưới. “Gia đình tôi trồng 3hecta cà phê mỗi năm thu được 9 tấn nhưng năm 2021 do thiếu nước nên khu có gần 1hecta nằm xa hồ tưới coi như mất trắng”. Ông Nam buồn bã kể lại.

Để giảm theo những rủi ro cũng như thực hiện theo định hướng của chính quyền địa phương, đến năm 2022 gia đình ông Nam đã chuyển đổi hơn 1hecta cà phê ở khu vực thiếu nước tưới sang trồng mắc ca và một số cây rừng để tiện chăm sóc. “Tôi cũng như nhiều hộ dân gần đây, đã linh động chuyển khá nhiều diện tích cây trồng ở những vùng thiếu nước tưới sang trồng một số loại cây chịu hạn tốt để giảm thiệt hại và có thêm thu nhập”. Ông Nam chia sẻ.

Theo GS-TS Bảo Huy- chuyên gia tư vấn độc lập về quản lý tài nguyên rừng và môi trường cho biết, mưa nhiều tập trung, hạn hán kéo dài là biểu hiện của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu thể hiện rõ nét với các hình thái khí tượng thất thường, không theo quy luật. Do đó, việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết hiện nay là rất cần thiết và phù hợp.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, do tác động ngày một lớn từ BĐKH, thời tiết cực đoan, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được địa phương nhân rộng và người dân hưởng lợi khá lớn. Hiện tại, nhiều hộ gia đình nhờ vào việc chuyển đổi cây trồng nên nhiều vùng trước đây thiếu nước tưới thì nay trồng một số loại cây như: điều, cây lấy gỗ như keo, tràm…chịu được hạn hán, từ đó, thu nhập của người dân địa phương cũng dần được tăng lên đáng kể.

2(2).jpg
Ngành nông nghiệp luôn nỗ lực đảm bảo nguồn nước cho người dân sản xuất lúa nước

Chính quyền đồng hành cùng người dân

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây hàng hóa lâu năm như bơ, sầu riêng, tiêu, mít.

Thực tế, qua các vườn cà phê trồng xen các loại cây hàng hóa lâu năm tại các nông hộ ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk, Cư Kuin không những có tác dụng tăng thêm thu nhập từ 20 đến 50% so với trồng thuần cà phê, mà còn có tác dụng cải thiện điều kiện khí hậu trong vườn cây, nâng cao độ phì nhiêu của đất, hạn chế tình trạng xói mòn, rửa trôi, hàm lượng chất hữu cơ trong đất tăng thêm từ 24-26%. Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị liên quan như công ty khai thác các công trình thuỷ lợi cùng phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc sữa chữa, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi giúp cho người dân thuận tiện phát triển nông nghiệp.

Cùng với đó, được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT mới đây, chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vừa tổ chức Lễ khởi động Dự án 30 triệu USD về thích ứng với biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk được đầu tư trên 118 tỷ đồng để tăng khả năng chống chịu của nông nghiệp do biến đổi khí hậu. Cụ thể, dự án được triển khai tại 4 huyện, gồm: Ea H’leo, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pắc. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng của nông hộ nhỏ, dễ bị tổn thương đối với tình trạng mất an ninh nước do biến đổi khí hậu trên địa bàn Đắk Lắk.

Các hoạt động của dự án tại Đắk Lắk, gồm: thiết kế và xây dựng 917 hệ thống kết nối và phân phối, trong đó có lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị tưới để ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập 9 nhóm sử dụng nước để vận hành và bảo dưỡng hệ thống; xây dựng hoặc nâng cấp 260 ao chống chịu với biến đổi khí hậu và thiết lập 43 nhóm quản lý ao; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước nội đồng cho 2.335 hộ sản xuất nhỏ nghèo, cận nghèo…

Phạm Hoài