Nỗ lực giảm nghèo ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam)
Tây Giang là huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Nam có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được địa phương xác định làm nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo được giảm dần qua các năm, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lượm, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết những nét khái quát về huyện miền núi Tây Giang?
Ông Nguyễn Văn Lượm: Huyện Tây Giang được tái lập vào năm 2003 theo Nghị định số 72/2003/NĐ-CP ngày 20/6/2003 của Chính phủ trên cơ sở chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam thành huyện Đông Giang và Tây Giang. Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Nam giáp huyện Nam Giang; phía Tây giáp tỉnh Sê Koong nước CHDCND Lào; phía Đông giáp huyện Đông Giang. Diện tích tự nhiên là 91.368 ha. Dân số hiện nay là hơn 21.400 người, gồm 14 dân tộc, trong đó, dân tộc Cơtu chiếm hơn 91%; dân tộc Kinh chiếm khoảng 8%; còn lại là các dân tộc khác, như: Mường, Tày, Thái, Tà ôi, Mơ nông, Cadong, Hre, Giẻ triêng, Giáy, Thổ, Hoa, Cor…
Huyện có 10 xã/63 thôn, trong đó có 8 xã biên giới gồm: Gari, Axan, Ch’ơm, Tr’hy, Lăng, Atiêng, Anông, Bhalêê và 2 xã nội địa là Avương, Dang. Trung tâm huyện nằm trên địa bàn xã Atiêng, cách thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hơn 180km, cách thành phố Đà Nẵng hơn 125km. Có 67km đường biên giới với nước bạn Lào, có 30km đường Hồ Chí Minh đi qua.
PV: Thưa ông, trong những năm qua, huyện Tây Giang đã thực hiện mục tiêu giảm nghèo như thế nào và đã đạt những kết quả gì cho đến thời điểm hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Lượm: Công tác giảm nghèo luôn được xác định làm nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành, với nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 6 đến 7%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ đến cuối năm 2020 là 34,55%. Thực hiện rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025, năm 2021 toàn huyện có 3.581 hộ nghèo/5.415 hộ dân số (chiếm 66,13%); năm 2022 qua rà soát còn 3.205 hộ nghèo/5.490 hộ dân số, chiếm 58,37% (giảm 7,76%).
Để từng bước giảm nghèo, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo hằng năm cho từng xã; phân công các cơ quan huyện kết nghĩa, hỗ trợ công tác giảm nghèo cho các thôn. Hằng năm đều rà soát, đánh giá cụ thể các tiêu chí còn thiếu hụt của từng thôn để tập trung đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí thiếu hụt đó.
Nhằm tạo sinh kế bền vững, giảm nghèo bền vững địa phương đã triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, phát triển cây dược liệu nhằm tạo thu nhập ổn định cho người dân…. Lồng ghép nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, nông thôn mới để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, tập trung vào các tiêu chí hiện đang thiếu hụt theo chuẩn nghèo đa chiều mới, với mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 40%.
PV: Bên cạnh những thành quả đạt được, huyện đang phải đối mặt với những khó khăn nào trong công tác giảm nghèo, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lượm: Khó khăn nhất hiện nay trong công tác giảm nghèo của địa phương đó là vấn đề thu nhập của người dân đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng cao theo tiêu chí giảm nghèo mới. Với điều kiện huyện miền núi với hơn 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số với khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cuộc sống còn hạn chế; tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước còn khá phổ biến, khả năng tự vươn lên thoát nghèo không cao; tâm lý e ngại khi đi xa khỏi địa phương để lao động tăng thu nhập; điều kiện miền núi cao, chịu tác động khá lớn của thiên tai, bão lũ, sạt lở núi.
Bên cạnh đó, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm ra của người dân rất khó khăn; việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, nhất là các ngành nghề cần nhiều lao động nhằm giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương rất khó. Đó chính là các yếu tố chủ yếu tác động đến thu nhập của người dân, là trở lực lớn đến công tác giảm nghèo hiện nay.
PV: Các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới cho chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện Tây Giang đặc biệt là phát triển kinh tế rừng như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Lượm: Việc giữ rừng của người dân hiện nay chủ yếu thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, một số xã đã triển khai trồng dược liệu, chủ yếu là cây ba kích và một số loại cây trồng khác dưới tán rừng.
Nhìn chung việc phát triển kinh tế dưới tán rừng chưa nhiều do vướng cơ chế quy định liên quan đến quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hiện nay UBND tỉnh Quảng Nam cũng đang tạm dừng cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển cây dược liệu. Chúng tôi cũng đang xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp du lịch vào huyện đầu tư mở các tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm (leo núi, đua xe địa hình, dù lượn …), du lịch nghỉ dưỡng nhằm khai thác tốt tài nguyên rừng hiện có của huyện như rừng di sản cây Pơ mu, rừng hoa Đỗ Quyên cổ trên đỉnh K’lang cao 2.005m so với mặt nước biển, rừng Lim nguyên sinh và một số sông, suối gắn với văn hoá bản địa của người Cơ tu, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Với hướng đi này, hy vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho phát triển của huyện, người dân sẽ tham gia cung ứng nhân lực, các món ẩm thực địa phương, phát triển du lịch cộng động và cũng giảm dần sản xuất nông nghiệp, giảm phá rừng làm nương rẫy.