Môi trường

Huyện Điện Biên khắc phục thiệt hại sau thiên tai

Hoàng Châu - Phương Liên 02/08/2023 - 16:27

(TN&MT) - Trong 7 tháng đầu năm 2023, địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) hứng chịu ảnh hưởng của 4 đợt thiên tai lớn, diễn ra vào các đợt: tháng 2, cuối tháng 4 – đầu tháng 5, giữa tháng 6 và giữa tháng 7, do: mưa lớn, lũ ống, giông lốc và sét. Vào thời điểm này, chính quyền và các đoàn thể huyện Điện Biên đang chú trọng thực hiện việc khắc phục thiệt hại sau thiên tai, giúp bà con trong huyện an tâm dựng lại nhà cửa, khôi phục ruộng vườn, ao chuồng để đảm bảo đời sống.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Điện Biên, trong đợt thiên tai, mưa lũ diễn ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên 7 tháng đầu năm 2023, huyện Điện Biên là địa phương thiệt hại nặng nề nhất. Thiên tai đã làm chết một người dân xã Phu Luông, cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản và hư hại nhiều diện tích rau màu của bà con ở 7/21 xã trên địa bàn huyện Điện Biên, gồm: Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa, Mường Pồn, Thanh Xương, Mường Lói và Phu Luông, với tổng kinh phí thiệt hại ước tính khoảng 5 tỷ đồng.

Cụ thể, thiệt hại về người, trong trận giông, lốc xảy ra vào tháng 6, một công nhân lao động cũng là người dân tại xã Phu Luông (huyện Điện Biên) đã bị sét đánh gây tử vong. Về tài sản, nhà cửa, có gần 400 ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng do mưa lớn gây ngập lụt, lũ uống, lũ quét, trong đó có 120 ngôi nhà thiệt hại trên 50%; 4 trường mầm non, tiểu học và 2 trạm y tế tại xã Thanh Luông, Thanh Xương bị ảnh hưởng cơ sở vật chất, 116ha lúa, rau màu của bà con bị hư hại do ngập lụt, trong đó có 70% diện tích hư hại hoàn toàn.

a1-1-.jpg
Mưa lớn kèm giông lốc trong tháng 6/2023 gây hư hỏng nhà dân tại huyện Điện Biên

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Ngay sau khi cơn lũ đi qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện đã phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã phân công cán bộ Ban Chỉ huy xã phụ trách các thôn, bản, tiến hành rà soát, xác minh thiệt hại trên địa bàn. Chỉ đạo, huy động lực lượng Đội xung kích PCTT xã phối hợp cùng các lực lượng trên địa bàn giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai, có phương án tu sửa, dựng mới lại nhà cửa cho bà con đảm bảo đời sống. Ủy ban MTTQ huyện đã hỗ trợ cho 14 hộ dân có nhà bị thiệt hại nặng nhất với tổng kinh phí 80 triệu đồng; đồng thời, UBND huyện đã tổng hợp và đề nghị tỉnh hỗ trợ cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng tại Tờ trình số 1304/TTr-UBND.

Riêng đối với các diện tích rau màu và lúa của người dân bị thiệt hại, chính quyền huyện đã chỉ đạo các xã kiểm kê rõ ràng từng diện tích; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm định, trình phê duyệt hỗ trợ đối với các hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra do UBND các xã đề nghị. Thông qua đó, huyện đã hỗ trợ thiệt hại cho bà con bằng cây, con giống mới với tổng số tiền hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lũ ống càn quét vào đúng thời điểm mới gieo cấy lúa vụ lúa hè thu, nên thời vụ của bà con bị chậm tiến độ so với các địa phương khác, điều này không những làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn kéo theo việc chậm tiến độ vụ mùa, gieo cấy vào cuối năm. “Trước lỗi lo đó, chính quyền huyện cũng tính phương án hỗ trợ thêm về kinh tế để bà con đảm bảo đời sống, yên tâm lao động sản xuất và cố gắng vượt qua khó khăn, thiệt hại về thiên tai” – ông Ngô Xuân Chinh cho biết thêm.

a2(2).jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), giúp người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, di dời tài sản và khắc phục hậu quả giông lốc.

Mặc dù thời tiết những ngày qua đã bắt đầu khả quan hơn, tuy nhiên trước nguy cơ thời tiết diễn biến phức tạp, huyện Điện Biên đã đề ra phương án từ giờ đến hết năm 2023, cần để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp tục thực hiện trực ban 24/24 giờ đến hết ngày 31/10; kịp thời chuyển tải các bản tin dự báo, cảnh báo để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn nhà cho các công trình hạ tầng, diện tích nông nghiệp của người dân; tăng cường hơn sự phối hợp và trao đổi thông tin giữa các đơn vị quản lý hồ với địa phương trong vận hành điều tiết xả lũ theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong mùa mưa lũ. Đặc biệt lúc này, huyện còn đang chú trọng, đôn đốc các xã đẩy nhanh việc thu quỹ PCTT làm cơ sở cho việc sử dụng hiệu quả Quỹ, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai của địa phương.

Hoàng Châu - Phương Liên