Biến đổi khí hậu


Kế hoạch phòng, chống thiên tai tại Hà Giang: Lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Lan Chi (thực hiện) 01/08/2023 - 13:10

(TN&MT) - Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc, có địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, địa chất không đồng nhất, hàng năm thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai như: Dông, lốc, sét, mưa đá, rét hại, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, ngập úng cục bộ…

Ông Lê Anh Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về những giải pháp cụ thể, cũng như những kế hoạch “dài hơi” đã được triển khai tại địa phương để công tác phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đạt hiệu quả.

anh-1-o-le-anh-dung.jpg
Ông Lê Anh Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh

PV: Thưa ông, bên cạnh các giải pháp chung về PCTT của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, tỉnh Hà Giang có những giải pháp cụ thể nào để thực hiện hiệu quả công tác này tại địa phương, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra?

Ông Lê Anh Dũng: Công tác chỉ huy điều hành phải quyết liệt, khẩn trương; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở; phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để cùng triển khai ứng phó. Hà Giang vận dụng huy động lực lượng nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong thôn bản để thực hiện công tác quy tụ dân cư khắc phục tình trạng người dân không muốn rời xa nơi ở, tập quán sinh hoạt, sản xuất ở nơi cũ, khắc phục tình trạng mê tín đòi hỏi về ngày giờ di dời, hướng nhà nơi ở mới…

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra 6 đợt thiên tai (chủ yếu là rét hại, mưa vừa đến mưa lớn kèm dông, lốc, sét). Thiên tai khiến 3 người thương vong, làm hư hại 683 nhà, 5.259ha cây trồng, nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân bị thiệt hại. Tổng thiệt hại về tài sản ước trên 52 tỷ đồng.

Công tác dự báo, cảnh báo và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCTT và cách phòng tránh cho các cấp chính quyền và người dân đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin phục vụ công tác chỉ huy, điều hành và nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân; chủ động phòng tránh, đối phó hiệu quả với thiên tai.

Thực hiện phương châm phòng là chính, nên công tác chuẩn bị ứng phó rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi là khâu hết sức quan trọng, trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình công tác triển khai tại cơ sở và hướng dẫn các xã, thôn, hộ gia đình cách PCTT. Hà Giang rất quan tâm đến tình hình đói rét, dự trữ thức ăn cho gia súc, bố trí và thực hiện lịch gieo trồng, canh tác trong vụ Đông - Xuân để giảm thiểu thiệt hại về vật nuôi, cây trồng.

Hằng năm, tỉnh chủ động kịp thời bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, phương án PCTT phù hợp với nhận định thời tiết, khí hậu và với điều kiện thực tế địa phương.

Tỉnh cũng sử dụng hiệu quả các kênh truyền tin, hệ thống mạng xã hội để thông tin cho chính quyền các cấp và nhân dân về thông tin, tuyên truyền dự báo, cảnh báo thiên tai và biện pháp phòng chống.

PV: Để thực hiện hiệu quả các kế hoạch PCTT của Trung ương và địa phương, tỉnh Hà Giang đã đề ra những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn như thế nào, xin ông chia sẻ?

Ông Lê Anh Dũng: Năm 2023, theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, nhận định xu thế thiên tai, các rủi ro thiên tai có thể xảy ra và nguồn lực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch PCTT&TKCN năm 2023 (Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 14/4/2023). Một số sở, ngành là cơ quan nòng cốt và 11/11 huyện, thành phố căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện năm 2023 phù hợp với nhiệm vụ và điều kiện thực tế.

anh-2-chuyen-de-kttv-thang-8.jpg
Vách trượt ở Tổ 5 thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang

Đối với kế hoạch PCTT giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy tỉnh phối hợp Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam triển khai xây dựng kế hoạch. Do khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện (chưa đủ cơ sở để trích từ Quỹ PCTT), tỉnh tiếp tục giao cơ quan chủ trì tham mưu nguồn kinh phí phù hợp để triển khai, dự kiến hoàn thành và ban hành trong Quý IV/2023. Tuy nhiên, trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, tỉnh chú trọng chỉ đạo các cơ quan tham mưu lồng ghép kế hoạch PCTT nhằm chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp PCTT, ứng phó biến đổi khí hậu; bố trí di chuyển, xen ghép và ổn định tại chỗ các đối tượng thuộc vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thông tin dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) ở địa phương, công tác này đã đáp ứng được yêu cầu như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Anh Dũng: Thông tin dự báo KTTV ở địa phương có vai trò rất quan trọng cho công tác PCTT, là cơ sở để triển khai mọi hành động trong PCTT.

Những năm qua, Đài KTTV tỉnh đã luôn phối hợp rất chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh cùng với cấp huyện, xã cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin thời tiết, KTTV, các dự báo, cảnh báo cho lực lượng PCTT trên toàn tỉnh cũng như cho nhân dân. Từ đó, giúp cho công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai được chủ động, phù hợp với điều kiện về nguồn lực của mỗi địa phương với mỗi thời điểm khác nhau.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Chi (thực hiện)