Báo nhưng chưa động
(TN&MT) - Sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên đèo Bảo Lộc trong ngày 30/7 tiếp tục là lời cảnh báo gay gắt về sức chống chịu của các vùng đất cao nguyên thuộc tỉnh Lâm Đồng trước thiên tai.
Sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên đèo Bảo Lộc trong ngày 30/7 tiếp tục là lời cảnh báo gay gắt về sức chống chịu của các vùng đất cao nguyên thuộc tỉnh Lâm Đồng trước thiên tai. Dẫu trước đây đã từng có nhiều cảnh báo trong các tài liệu, công trình nghiên cứu và các phương tiện truyền thông nhưng bởi chưa có hệ lụy nhãn tiền nên báo mà không động.
Chỉ trong vòng 1 tháng, Đà Lạt hứng chịu 2 trận ngập lụt và sạt lở nặng nề. Gần đây nhất, sạt lở trên đèo Bảo Lộc đã khiến 1 người dân và 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ hy sinh, 37 người trên xe khách may mắn thoát chết trong gang tốc. Đến thời điểm 31/7, vụ sạt lở vẫn chia cắt hoàn toàn Quốc lộ 20 lưu thông theo hướng từ Đà Lạt về TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Nhiều địa điểm khác trên tuyến Quốc lộ 55 cũng trong tình trạng không thể lưu thông hoặc lưu thông khó khăn. Trong khi đó, theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, khả năng mưa lớn tiếp tục diễn biến trong khoảng 48 tới 72 giờ tới.
“Lâm Đồng sẽ tiếp thu, nghiên cứu đề xuất thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm với những khu vực có nguy cư sạt lở đất” là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại buổi làm việc với Đoàn chuyên gia đến từ Nhật Bản sáng 19/7 (sau trận ngập lụt và sạt lở taluy cuối tháng 6 xảy ra tại Đà Lạt khiến 7 người thương vong). Khẳng định của người đứng đầu chính quyền địa phương cùng sự xuất hiện của các chuyên gia cho thấy, không thể trì hoãn các động thái đảm bảo an toàn về người và tài sản trước thiên tai, đặc biệt là những giải pháp mang tính giải quyết gốc rễ của vấn đề. Tiếc thay, trong nỗ lực hợp tác với thiên nhiên trước đây, con người đã đến muộn đến sau, chỉ để khắc phục hậu quả mà không lường trước hậu họa để chủ động phòng ngừa.
Vụ việc xảy ra vừa qua là một minh chứng cho sự thiếu chủ động ấy.
Nhắc lại những gì mà các tài liệu trước đó đã có sẵn, ông Takami Kanno - Trưởng văn phòng đại diện Công ty Kawasaki tại Hà Nội - chuyên gia trực tiếp khảo sát thực tế hiện trường vụ sạt lở tại hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP. Đà Lạt cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trên nền đất bazan kết cấu yếu và dốc, việc phát triển đô thị, đặc biệt là các công trình xây dựng sẽ khó bền vững nếu không tính đến các yếu tố mất an toàn tiềm ẩn. Việc dồn nén công trình cũng dễ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với kết cấu đất có tính dễ tổn thương như ở đây.
Bên cạnh đó là các yếu tố liên quan đến sản xuất nông nghiệp, giảm mật độ rừng, tăng mật độ nhà kính trong canh tác nông nghiệp cùng những biến đổi ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu đã gây sức ép lên vùng đất cao nguyên Lâm Đồng. Trong số các nguyên nhân gây ra, nguyên nhân đáng trách nhất, buồn thay, lại là nhận thức và ý thức của con người. Sự chủ quan, coi thường cảnh báo, sự tác động thiếu hiểu biết hoặc thô bạo của con người đã vô hình dung gieo rắc mối nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng mà những hệ lụy cùng mất mát xảy ra vừa qua là một sự đánh đổi quá lớn.
Nếu vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc diễn ra do tính thiếu kết cấu bẩm sinh của đất cộng mưa lớn thì sập nhà và sập taluy tại TP. Đà Lạt lại bắt đầu từ nguyên do khác. Kết quả khảo sát thực tế hiện trường vụ sạt lở cho thấy, vị trí sạt lở thuộc khu vực đất bồi trên cao. Khu vực này từng xảy ra sạt lở nhẹ vào các năm 2010 và tháng 4/2015. Thế nhưng đến năm 2021, tại đây bắt đầu xuất hiện công trình xây dựng của dân, tháng 4/2022, mật độ xây dựng dày hơn, nhiều hộ dân đã sử dụng đất bồi tôn độ cao tạo mặt phẳng để xây nhà kiên cố trên vị trí từng xảy ra sạt lở.
Có hay không việc người dân không được thông tin đầy đủ về tình trạng đất và những vi phạm khi triển khai xây dựng? Có hay không việc những người làm công tác quản lý đã làm lơ, buông lỏng trách nhiệm và coi thường cảnh báo vì một mục đích cá nhân? Sự việc sạt lở nhà và taluy ở Đà Lạt đã được cơ quan điều tra của địa phương vào cuộc đặt ra cảnh báo nghiêm khắc về yêu cầu quản lý chặt việc cấp phép và giám sát nghiêm các công trình có yếu tố sử dụng đất bồi cùng các tiêu chuẩn an toàn…
Mong sao những vụ việc vừa qua là hồi chuông cảnh báo gay gắt đến cơ quan chức năng và người dân. Với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, phải dừng ngay việc chủ quan coi thường cảnh báo mà tác động thô bạo và thiếu hiểu biết lên tự nhiên. Đặc biệt, với cơ quan quản lý, cần phải hành động ngay: tuyên truyền sớm, kiểm soát chặt, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an toàn để ngăn chặn sớm nhất nguy cơ cao tiếp tục xảy ra. Lời nói phải đi đôi với việc làm, có báo phải có động thì mới mong chặn đứng nguy cơ xấu, không chỉ riêng với Lâm Đồng mà còn là bài học ứng xử với thiên tai ở những vùng đất khác.