Môi trường

Doanh nghiệp tự tái chế sản phẩm, bao bì: Phải có công nghệ, biện pháp bảo vệ môi trường

Phạm Oanh 31/07/2023 - 16:38

(TN&MT) - Theo quy định, khi tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn tự tái chế hoặc thuê hay ủy quyền đơn vị tái chế, thậm chí, doanh nghiệp được kết hợp tất cả các hình thức trên. Tuy nhiên, dù lựa chọn hình thức nào, doanh nghiệp đều phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về công nghệ và biện pháp bảo vệ môi trường.

Nhiều lựa chọn cho DN thực hiện trách nhiệm tái chế

Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được chọn một trong hai hình thức này.

Trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải kê khai và đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Trường hợp lựa chọn tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hằng năm. Nhà sản xuất, nhập khẩu và tổ chức trung gian thực hiện tái chế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đăng ký, báo cáo, kê khai nêu trên.

day-chueyenf-tai-che.jpg
Khi tự tái chế, doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường

Đặc biệt, khi lựa chọn tổ chức tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu được thực hiện theo các cách thức sau: Tự thực hiện tái chế; Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; Ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế; Kết hợp cả 3 cách thức nêu trên.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đưa ra nhiều hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế nhất cho doanh nghiệp lựa chọn. Đây là nỗ lực của các cơ quan chức năng khi ban hành quy định pháp luật, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tốt nhất trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì – một trong những chính sách tiến bộ, đổi mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Quy định nghiêm ngặt về công nghệ, biện pháp bảo vệ môi trường

Bên cạnh quyền được lựa chọn hình thức thực hiện tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu phải đảm bảo các nghĩa vụ khi thực hiện các hình thức này.

Theo đó, nếu nhà sản xuất, nhập khẩu muốn tự mình thực hiện tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc đơn vị tái chế được thuê phải phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và phải đăng ký kế hoạch, báo cáo kết quả tái chế hàng năm.

Trong đó, các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định gồm: công nghệ, thiết bị tái chế phù hợp; có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; có giấy phép môi trường; tuân thủ các quy định về quan trắc, xử lý chất thải.… Trường hợp doanh nghiệp tự thực hiện tái chế mà không đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc; không tuân thủ quy định của pháp luật bảo vệ môi trường thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức ủy quyền toàn bộ cho tổ chức trung gian để tổ chức tái chế thì bên được ủy quyền phải bảo đảm: Có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật; Không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được uỷ quyền; Được ít nhất 3 nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý uỷ quyền tổ chức tái chế. Bên được ủy quyền thực hiện đăng ký kế hoạch, báo cáo kết quả tái chế hàng năm thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu đã ủy quyền.

Nhà sản xuất, nhập khẩu thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền cho bên được ủy quyền không bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý vi phạm.

Để tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tái chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối
hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, lập danh sách và sẽ
sớm công bố danh sách các đơn vị tái chế và bên được ủy quyền trên Cổng thông
tin điện tử EPR quốc gia để nhà sản xuất, nhập khẩu biết, lựa chọn.

Phạm Oanh