Huyện Tuyên Hóa: Đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) là địa phương có tiềm năng về khoáng sản với nhiều loại khoáng sản khác nhau. Đặc điểm chung của các loại khoáng sản trên địa bàn là có quy mô nhỏ, phân bố rải rác, chỉ có đá vôi, cát và sét có trữ lượng lớn. Những năm qua, bên cạnh việc tăng cường khai thác để gia tăng lợi ích kinh tế, việc bảo vệ môi trường cũng được nhiều công ty khai thác khoáng sản chú trọng.
Tuân thủ quy định về môi trường
Công ty TNHH Đức Toàn có địa chỉ tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa do ông Trần Văn Vĩnh làm Giám đốc, người đại diện pháp luật, đang vận hành mỏ khai thác cát xây dựng bãi Rì Rì, xã Văn Hóa. Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 1294/GQ-UBND ngày 5/6/2013, mỏ có diện tích khai thác 4,8ha, độ sâu khai thác đến cote -7,5m, thời gian khai thác trong 20 năm, trữ lượng khai thác 276.581m3. Mỏ có địa hình bãi bồi hình lưỡi liềm lượn theo bờ sông. Sông Gianh đoạn chảy qua khu vực mỏ cát có chiều rộng từ 120m - 200m, mùa hè nước sâu trên 2m, mùa mưa cát được bồi đắp thêm làm tăng trữ lượng mỏ.
Ông Trần Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Đức Toàn cho biết, việc khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại bãi Rì Rì, xã Văn Hóa đã mang lại những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội như: Cung cấp nguồn cát ổn định cho các hoạt động xây dựng dân dụng và xây dựng hạ tầng trên địa bàn xã, huyện và vùng lân cận; tạo công ăn việc làm cho một bộ phận nhỏ người dân địa phương, tạo thêm nguồn ngân sách cho địa phương thông qua việc Công ty nộp các loại thuế, phí về tài nguyên, môi trường; đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà dự án mang lại, ông Trần Văn Vĩnh cũng thừa nhận, quá trình hoạt động khai thác cát cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường như: Nguy cơ gây sạt lở hai bên bờ sông do hoạt động khai thác; làm giảm chất lượng nước mặt sông Gianh và gây ảnh hưởng đến mục đích sử dụng nguồn nước của người dân đối với khu vực hạ lưu do hoạt động nạo hút cát của dự án.
Vì vậy, để đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích về kinh tế và các lợi ích về môi trường, Công ty TNHH Đức Toàn đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tiến hành xây dựng Đề án cải tạo, phục hồi môi trường nhằm xây dựng những biện pháp, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường trong suốt quá trình khai thác và sau khi kết thúc khai thác nhằm làm giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động bất lợi đến chất lượng nước sông phía hạ lưu khu vực khai thác cũng như giảm khả năng sạt lở hai bên bờ sông Gianh tại khu vực nạo hút cát.
Giám đốc Công ty TNHH Đức Toàn cũng cho biết, đối với nước thải phát sinh từ hoạt động vệ sinh của công nhân, nhân viên văn phòng, nước mưa và các chất bẩn dầu mỡ từ máy móc đều được thu gom về hầm cầu tự hoại hoặc bể lắng đảm bảo hợp vệ sinh. Công ty đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động của bụi từ quá trình hoạt động như sử dụng phương tiện chuyên dụng để chở cát, yêu cầu các chủ xe sử dụng bạt che phủ, hạn chế cát rơi vãi; cử người quét dọn hàng ngày đường xe ra vào; phun ẩm khu vực bãi chứa… Bên cạnh đó, để giảm tiếng ồn phát sinh từ hoạt động khai thác, Công ty đã bố trí thời gian vận chuyển cát hợp lý, tránh vận chuyển vào thời gian yên tĩnh, không tập trung xe vận chuyển cùng một lúc.
Hoạt động tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Đại Thạch do ông Nguyễn Xuân Thiết là Giám đốc, người đại diện pháp luật của công ty. Công ty được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường theo Quyết định số 2771/QĐ-CT ngày 7/11/2012. Vị trí mỏ tại thôn Tân Ấp, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, diện tích khai thác 4ha, trữ lượng địa chất được phép khai thác 1.469.496 m3, trữ lượng khai thác 988.881 m3; công suất khai thác 35.000 m3/năm trong thời hạn 30 năm.
Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Đại Thạch Nguyễn Xuân Thiết cho biết, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường được công ty rất chú trọng. Công ty thường xuyên nhắc nhở cán bộ, công nhân viên công ty tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, không để hoạt động của mỏ ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng, khu dân cư nên được người dân đồng tình, ủng hộ. Công ty có quy định cụ thể một ngày phải tưới nước bao nhiêu lần để giảm khói bụi, bố trí đội vệ sinh thường xuyên quét đường và các khu vực xung quanh mỏ. Xung quanh mỏ trồng rất nhiều cây xanh, vừa tạo bóng mát, đồng thời giảm tiếng ồn, khói bụi ảnh hưởng đến môi trường.
Theo ông Nguyễn Xuân Thiết, những năm qua, công ty luôn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật như lắp đặt trạm cân, camera giám sát, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Công ty tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn lao động, do đó, từ khi đi vào hoạt động, mỏ chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc như nhiều mỏ khác. Bên cạnh đó, công ty rất quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm bán ra, thực hiện tốt công tác nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Hàng năm, công ty nộp ngân sách nhà nước trên 2 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 40 lao động, chủ yếu là con em các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh tại địa phương. Các hoạt động xã hội từ thiện được công ty rất chú trọng, được chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể đánh giá cao.
Đánh giá về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, ông Nguyễn Xuân Thiết cho biết, hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên nhận được sự quan tâm, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát rất sâu sát của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là Phòng TN&MT Tuyên Hóa, phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Quảng Bình)… Các hoạt động làm chưa tốt, doanh nghiệp đã được các cơ quan quản lý hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tốt hơn, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường mỏ. Ông Nguyễn Xuân Thiết mong muốn các cơ quan quản lý xem xét, giảm thuế cho doanh nghiệp do vừa trải qua khó khăn từ dịch bệnh Covid-19.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Tuyên Hóa là huyện có tiềm năng về khoáng sản với nhiều loại khoáng sản khác nhau bao gồm khoáng sản kim loại như vàng, sắt, vonfram, mangan và một số khoáng sản phi kim loại như cát, sỏi, đá vôi, photphorit, đá phiến sét. Trong đó, đá vôi, cát và sét là khoáng sản có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn.
Cụ thể, đá vôi phân bố hầu khắp trên địa bàn huyện, có trữ lượng lớn và chất lượng được đánh giá cao với diện tích 526,6 ha, tài nguyên dự báo 327,09 triệu m3; cát, sỏi lòng sông phân bố dọc theo trục sông Gianh, sông Rào Trổ có diện tích 39,8 ha, trữ lượng dự báo khoảng 1,0 triệu m3. Ngoài ra, sét làm nguyên liệu phụ gia cho sản xuất xi măng phân bố tại xã Mai Hóa và xã Phong Hóa với trữ lượng khoảng 24,6 triệu m3; sét gạch ngói phân bố tại xã Thanh Hóa và xã Lê Hóa với với diện tích 13 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 0,32 triệu m3; đất làm vật liệu san lấp đưa vào quy hoạch với diện tích 20,4 ha, trữ lượng dự báo khoảng 1,0 triệu m3.
Theo ông Hồ Duy Phi - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Tuyên Hóa, trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng với các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, nhất là tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn. Các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng đi vào nề nếp, cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan. Các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khoáng sản đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến làm tăng giá trị khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để từng bước khắc phục hạn chế, đưa việc khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của huyện, ông Hồ Duy Phi cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường công tác kiểm tra các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khoáng sản nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát, sạn lòng sông, đất san lấp, từng bước đưa hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên. Đồng thời, thực hiện kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện năm 2023.