Khoáng sản

Huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh): Quản lý tài nguyên khoảng sản phục vụ phát triển bền vững

Nguyễn Thanh 31/07/2023 - 10:49

(TN&MT) - Trong thời gian qua, huyện Củ Chi đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là quản lý tài nguyên cát trên sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn huyện. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, huyện Củ Chi đã có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm, nâng cao thu nhập những người hành nghề khai thác, vận chuyển cát trái phép cũng như các hộ nghèo, cận nghèo của địa phương.

z4560931926696_259b4afe915d0ea5cd84c0c50f57b129.jpg
Một phương tiện khai thác cát trái phép bị bắt giữ  trên sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn huyện Củ Chi

Tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm

Củ Chi là huyện ngoại thành của TP.HCM, có diện tích đất tự 34,77 km2, gồm 21 xã, thị trấn. Sông Sài Gòn đoạn chạy qua địa phận huyện Củ Chi có chiều dài khoảng 57km, từ cầu Bến Súc – xã Phú Mỹ Hưng đến cầu Rạch Tra – xã Bình Mỹ.

Theo UBND huyện Củ Chi, thời gian qua, tình hình khai thác khoáng sản (cát) trái phép trên sông Sài Gòn diễn biến phức tạp, dọc theo tuyến sông Sài Gòn từ xã Hoà Phú đến Khu di tích Bến Dược xã Phú Mỹ Hưng, tập trung bơm hút cát nhiều nhất tại các xã An Phú, Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông, Trung An. Trên địa bàn huyện Củ Chi không có quy hoạch mỏ khoáng sản, không có đơn vị khai thác khoáng sản được cấp phép theo quy định.

Thời gian qua, huyện Củ Chi đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát và khai thác cát sỏi trên sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện. Hàng năm, UBND huyện đều ban hành Ban Chỉ đạo, Kế hoạch chỉ đạo và đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát và khai thác cát sỏi sông Sài Gòn.

Đồng thời, huyện Củ Chi đã vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng dọc sông Sài Gòn ký cam kết không mua bán cát không rõ nguồn gốc. Đồng thời vận động, tuyên truyền đến các hộ có phương tiện vận chuyển đường thủy cam kết không khai thác cát trái phép. Qua đó tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tố giác hành vi khai thác cát, tuyên truyền gia đình và người thân không tham gia khai thác cát, mua bán cát không rõ nguồn gốc và tuyên truyền mức xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh, mua bán, khai thác cát theo quy định pháp luật.

Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: Nhờ triển khai công tác quản lý từ năm 2019 đến nay, tình trạng khai thác cát trên tuyến sông Sài Gòn thuộc địa phận huyện Củ Chi có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng người dân địa phương tham gia vào hoạt động khai thác cát trái phép đã giảm rõ rệt. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đảm bảo an toàn đê bao sông Sài Gòn, hạn chế sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp của của nhân dân dọc bờ sông Sài Gòn.

a2.-mo-hinh-trong-rau-sach.jpg
Mô hình trồng rau sạch giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại huyện Củ Chi

Tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức, trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo UBND, Công an các xã dọc sông Sài Gòn tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp về khai thác khoáng sản; vận động những người dân sống dọc sông Sài Gòn không khai thác khoáng sản trái pháp luật và cung cấp các thông tin về những đối tượng có những nghi vấn hoạt động khai thác cát trái phép cho cơ quan chức năng để kiểm tra xử lý. Trong đó, Đài truyền thanh huyện sẽ tăng cường thời lượng phát sóng các bài viết tuyên truyền vận động người dân không tham gia hoạt động khai thác cát, không kinh doanh mua bán cát không rõ nguồn gốc, trên đất liền và trên sông.

Đồng thời, UBND huyện Củ Chi sẽ chỉ đạo UBND các xã, Công an các xã dọc sông Sài Gòn xây dựng lực lượng cơ sở để phát hiện, thông tin kịp thời các đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép cho đoàn kiểm tra liên ngành để tích cực đấu tranh phòng ngừa hoặc xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Song song đó, công an các xã sẽ lập danh sách các đối tượng có phương tiện thủy và các cá nhân tham gia hoạt động khai thác cát tuyên truyền, ký cam kết và có giải pháp gọi hỏi, giáo dục. Tăng cường kiểm tra tạm trú đối với các đối tượng tạm trú trên địa bàn nhất là đối với các đối tượng neo đậu trên sông Sài Gòn thuộc địa bàn xã quản lý.

Đặc biệt, theo ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, bên cạnh việc vận động, yêu cầu các hộ dân không tham gia hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ vốn, công cụ sản xuất để họ có cuộc sống ổn định, không tái phạm.

Được biết, trong thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Củ Chi đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Cụ thể, giai đoạn 2019 -2022, huyện đã giúp 1.048 hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nâng thu nhập vượt qua ngưỡng cận nghèo, thoát nghèo; phối hợp tổ chức 39 sàn giao dịch giới thiệu và giải quyết việc làm cho 819 lượt thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo.

Trong năm 2023, toàn huyện Củ Chi phấn đấu thực hiện kéo giảm 0,77% tỷ lệ hộ nghèo (ước khoảng 1.020 hộ nghèo) và giảm 0,72% tỷ lệ hộ cận nghèo (ước khoảng 950 hộ cận nghèo); không để hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công tái nghèo, tái cận nghèo.

Nguyễn Thanh