Khoáng sản

Thọ Xuân - Thanh Hóa quản lý khoáng sản hiệu quả:Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Thu Thủy 29/07/2023 10:22

(TN&MT) - Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, đặc biệt là đất và cát. Do đó, việc quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cá nhân, tập thể trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản sẽ là đòn bẩy giúp địa phương phát triển kinh tế bền vững.

“Nóng” vấn đề tài nguyên khoáng sản

Huyện Thọ Xuân có nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao, trong đó tài nguyên cát, sỏi với trữ lượng tương đối lớn. Toàn huyện hiện có 7 mỏ, 11 bãi tập kết cát, sỏi, là lợi thế song cũng là thách thức không nhỏ trong việc quản lý, khai thác gắn với bảo vệ môi trường.

tx1.jpg
Huyện Thọ Xuân là địa phương có nguồn tài nguyên cát tương đối lớn

Tình trạng khai thác cát trái phép của các gia đình, cá nhân tại các lòng sông vẫn còn tại một số xã, trong khi lực lượng chuyên môn cấp xã được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Các đối tượng hoạt động khai thác ngày một tinh vi, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Nhiều bãi tập kết cát trái phép lấy danh nghĩa là hộ kinh doanh vật liệu xây dựng mua cát từ các mỏ, bãi trên địa bàn về bán cho người dân địa phương gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư. Các bãi cát này được tập kết ngổn ngang, bừa bãi, không có hệ thống hàng rào bao quanh, mùa khô cát bay mù mịt, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân xung quanh… Bên cạnh đó, một số diểm tận thu đất từ hoạt động hạ thấp độ cao nhà ở riêng lẻ, trồng cây lâu năm có dấu hiệu thực hiện chưa đúng phương án, gây thất thoát nguồn thuế, gây ô nhiễm môi trường,… Tình trạng các hộ gia đình, các đơn vị xây dựng tự hợp đồng và thỏa thuận mua bán với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép (đất san lấp), chưa được kiểm soát gây không ít khó khăn trong công tác quản lý..

Khách quan mà nói, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại một số xã, thị trấn chưa được thường xuyên, liên tục, vô tình tạo kẽ hở dẫn đến tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra; công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa thật sự chặt chẽ.

Theo một số người dân: Nhiều năm trước tình trạng khai thác cát trên sông Chu vào ban đêm vẫn xảy ra, điều đáng nói là các vị trí tàu hút cát nằm ngoài các vị trí mỏ được cấp phép, thường tiến sát bờ, gây sạt lở nghiêm trọng đất canh tác của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần “phục kích” bắt quả tang các đối tượng, xong chỉ thuyên giảm chứ không chấm dứt hẳn.

Quản lý và sử dụng hiệu quả khoáng sản để phát triển kinh tế

Để nâng cao công tác quản lý, tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại, với mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia khai thác, phát huy tiềm năng nguồn tài nguyên cát, sỏi, góp phần mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, huyện Thọ Xuân cũng đã phối hợp cơ quan chức năng ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý khai thác gắn với bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý các cá nhân, tập thể không chấp hành pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường.

tx2.jpg
Quản lý chặt hoạt động khai thác khoáng sản trên sông

Đến nay, nhiều chủ mỏ, bãi đã nghiêm túc thực hiện việc khai thác đúng thiết kế mỏ, đúng vị trí phao, mốc, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo hồ sơ bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thường xuyên tưới, phun nước trên đường tránh tình trạng khói bụi, ô nhiễm môi trường, các phương tiện ô tô ra vào vận chuyển cát, sỏi thực hiện chở đúng tải trọng, có biện pháp che chắn tránh rơi vãi…

Đối với một số dự án xử lý cấp bách, khơi thông dòng chảy bảo vệ bãi sông đang thực hiện hoặc được gia hạn, ngành chức năng địa phương yêu cầu chủ đầu tư lập kế hoạch bảo vệ môi trường, trong quá trình khơi thông dòng chảy, phần đất, cát kết hợp vận chuyển đi và một phần tập kết lên bãi tạm tuân thủ quy định về môi trường.

Đến nay, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản đạt được những kết quả tích cực, hiệu quả, nhất là quản lý cát sỏi lòng sông; góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ cho các công trình trọng điểm của tỉnh, của huyện; các phòng, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện theo Quyết định số 2498/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 của UBND huyện Thọ Xuân. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn; trong năm 2022, xử phạt với 7 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, số tiền phạt là 86.247.500 đồng.

tx3.jpg
Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thọ Xuân: Hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đến nay trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu về sử dụng khoáng sản cho các công trình của trong và ngoài huyện, nhất là nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định (bình quân mỗi doanh nghiệp khoảng 25 lao động, thu nhập bình quân gần 7,5 triệu đồng/người/tháng); nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã đóng góp ngân sách cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn.

Thu Thủy