Biến đổi khí hậu

Sơn La: Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định thay thế về xử phạt vi phạm lĩnh vực KTTV

Tin & ảnh: Nguyễn Nga 28/07/2023 18:30

(TN&MT) -Ngày 28/7, tại huyện Mộc Châu (Sơn La), Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn (KTTV) tại khu vực Tây Bắc, Việt Bắc.

f1a3eb8f65bdb6e3efac.jpg
Bà Đặng Thanh Mai (phải) – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV và bà Lê Thị Thu Hằng (trái) – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La đồng chủ trì Hội thảo.

Tiếp thu ý kiến từ địa phương

Luật KTTV được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTTV được quy định tại Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013; Nghị định số 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017; được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai nhấn mạnh: Việc hoàn thiện pháp luật cũng như các chế định, chế tài về công tác thanh, kiểm tra và quy định về xử lý các vi phạm hành chính lĩnh vực KTTV là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động KTTV trong tổng thể mục tiêu phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, việc có 3 Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này dẫn đến khó viện dẫn, tham chiếu trong khi áp dụng văn bản. Bên cạnh đó, qua thực tế triển khai đã phát sinh một số bất cập, một số hành vi vi phạm chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ trong các Nghị định hiện hành.

anh-2(2).jpg
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, Hoà Bình; Sở KH&CN, GTVT, NN&PTNT tỉnh Sơn La; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La có khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV; một số chủ công trình thủy điện là đối tượng phải quan trắc KTTV trên địa bàn tỉnh Sơn La…

Thực hiện Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2023, Tổng cục KTTV được giao là đơn vị chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTTV, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11/2023.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, đến nay, Tổng cục KTTV đã chủ trì xây dựng xong Dự thảo Nghị định thay thế gồm 4 chương, 27 điều; quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi vi phạm, thẩm quyền xử phạt, lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực KTTV.

Đặc biệt, chương II Dự thảo đã quy định về mức xử phạt các hành vi vi phạm về giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV; vi phạm hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV; vi phạm về truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo; vi phạm quy định quan trắc KTTV; vi phạm về khai thác, bảo vệ công trình KTTV…

Tổng cục KTTV đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT; trình Bộ TN&MT ký văn bản gửi các bộ, ngành, 63 tỉnh/thành phố để xin ý kiến góp ý Dự thảo. Cùng với đó là xin ý kiến trực tiếp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thông qua các cuộc hội thảo lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo.

Việc tổ chức Hội thảo hôm nay là 1 trong những hoạt động nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến trực tiếp từ địa phương, những tổ chức, cá nhân là đối tượng áp dụng của Nghị định.

dai-dien-son-la.jpg
Đại diện Sở TN&MT Sơn La đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định.
anh-yen-bai.jpg
Đại diện Sở TN&MT Yên Bái tham luận tại Hội thảo.
anh-thuy-dien-son-la.jpg
Đại diện Công ty Thủy điện Sơn La đề xuất một số nội dung cần làm rõ trong Dự thảo Nghị định.

Đề xuất sửa đổi chi tiết hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV

Báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hoạt động dự báo, cảnh báo, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV, đại diện Vụ quản lý dự báo KTTV cho biết: Thời gian qua, Bộ TN&MT đã ban hành một số Thông tư sửa đổi các quy định về thời hạn, loại bản tin dự báo, cảnh báo KTTV; quy định về quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo KTTV nguy hiểm. Qua đó, chất lượng, hình thức, số lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đã và đang ngày được nâng cao.

Song, thực tiễn triển khai cho thấy, một số quy định liên quan đến hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV cần được xem xét, điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp yêu cầu thực tiễn, sự phát triển của công nghệ dự báo. Các quy định pháp lý phải được điều chỉnh theo hướng “mở” nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc chung.

Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra thi hành pháp luật KTTV tại các công trình hồ chứa, việc dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa đều không thực hiện theo quy trình, quy định về dự báo, cảnh báo KTTV, không đảm bảo yêu cầu đầu vào cho dự báo lũ, ngập lụt vùng hạ lưu.

Việc các tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo KTTV được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao nhưng không thực hiện dự báo, cảnh báo theo quy trình, quy định, gây ra những tranh cãi, thậm chí hoang mang trong người sử dụng.

Do đó, Vụ quản lý dự báo KTTV đề xuất: Cần phải Luật hóa các cơ quan, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải thực hiện dự báo, cảnh báo KTTV, gồm: Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia; chủ các công trình hồ chứa thủy lợi có cửa van điều tiết lũ, hồ chứa thủy điện có dung tích toàn bộ từ 3 triệu m3 trở lên và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; các tổ chức thực hiện dự báo, cảnh báo KTTV được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

24bd8694f9a62af873b7.jpg
Quang cảnh Hội thảo.

Luật hóa việc tiếp cận, đăng tải thông tin dự báo, cảnh báo KTTV thông qua nền tảng số nhằm truyền tải thông tin với thời gian nhanh nhất, đơn giản, dễ hiểu nhất tới người sử dụng.

Đặc biệt, đổi mới công tác dự báo theo hướng dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro, các đơn vị dự báo, cảnh báo cần các thông tin, dữ liệu về hoạt động KT-XH khu vực thực hiên dự báo, cảnh báo làm đầu vào cho dự báo tác động. Do đó, nội dung này rất cần Luật hóa.

Về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV, cần Luật hóa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV, đảm bảo thông tin được khai thác, sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách.

Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung: Cách xác định số lợi bất hợp pháp; một số hành vi vi phạm mới được đưa vào Luật; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; cách xác định độ tin cậy trong dự báo, cảnh báo KTTV; mật độ lắp đặt, thông báo lắp đặt trạm quan trắc KTTV...

Kết luận hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai đã giao Tổ thư ký xây dựng Dự thảo tiếp thu tối đa các ý kiến từ địa phương để báo cáo Ban Soạn thảo, Tổ biên tập. Góp phần xây dựng Dự thảo đạt chất lượng tốt nhất trình các cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ được giao.

Theo Tổng cục KTTV, Dự thảo Nghị định thay thế được xây dựng trên nguyên tắc: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, phân tách từng hành vi vi phạm tương ứng với các mức xử phạt. Các hành vi mới được đưa vào Dự thảo Nghị định cần phải có căn cứ rõ ràng, được văn bản pháp luật quy định.

Những vấn đề mà Luật quy định là hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên, quá trình triển khai không đúng thực tiễn, không xử lý được cần có đánh giá nguyên nhân để có định hướng sửa các văn bản khác có liên quan.

Với việc bổ sung thêm thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cần đánh giá chi tiết với từng lực lượng, tránh bỏ sót thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền mà Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định.

Tin & ảnh: Nguyễn Nga