Miền Trung – Tây Nguyên: Nhiều thách thức để bảo vệ rừng và đa dạng sinh học
(TN&MT) - Tình trạng dân di cư tự do, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, biến đổi khí hậu gây suy giảm đa dạng sinh học, khủng hoảng sinh thái nghiêm trọng… là những thách thức đặt ra đối với phát triển lâm nghiệp bền vững ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Trong 2 ngày (28-29/7), tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ IV” với chủ đề “Phát triển lâm nghiệp bền vững” do Liên hiệp các hội KH&KT TP. Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn ĐDSH Nước Việt Xanh (GreenViet) cùng các đơn vị liên quan đồng tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đại diện Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Uỷ ban Dân tộc cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức xã hội, chính quyền, trường Đại học, Viện, Trung tâm, và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Diễn, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), đến 31/12/2022, diện tích rừng khu vực miền Trung và Tây Nguyên là 8,18 triệu ha (chiếm 55,3% diện tích rừng của cả nước). Trong đó, có 5,87 triệu ha rừng tự nhiên, 2,31 triệu ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng khu vực miền Trung đạt 54,22%, Tây Nguyên đạt 46,32%.
Rừng khu vực miền Trung và Tây Nguyên có giá trị đa dạng sinh học cao, gắn liền với đời sống đồng bào các dân tộc, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng và khu vực lân cận.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; tỷ lệ che phủ rừng ổn định.
Mặc dù mục tiêu đã được xác định rất rõ ràng, nhưng hiện nay rừng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang chịu nhiều thách thức. Cụ thể, tình trạng dân di cư tự do vẫn còn phức tạp, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn khoảng hơn 16 nghìn hộ chưa được bố trí ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch và đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng di dân kéo theo việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất; gây áp lực lên công tác bảo vệ và phát triển rừng;
Bên cạnh đó, hoạt động mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra dẫn đến mất rừng. Rừng bị suy giảm do yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chuyển đổi chuyển đổi rừng sang làm thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng hạ tầng nông thôn, tái định cư,...
Một thách thức nữa là đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên chưa tương xứng với nhiệm vụ và đảm bảo để thực hiện chính sách được ban hành; Cơ sở vật chất cho công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng lâm nghiệp yếu kém, bất cập…
Thực trạng này đang ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững nói riêng cũng như mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).
Đồng thời, với những quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về sản xuất và thương mại nông sản không được gây mất rừng và làm suy thoái rừng, đòi hỏi các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các nhà phân phối cũng cần phải xem xét lại chiến lược phát triển nếu muốn hướng đến thị trường EU giàu tiềm năng.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã đưa ra nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học khu vực miền Trung và Tây Nguyên như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp để thúc đẩy nâng cao hiệu quả, phát huy giá trị đa dụng của rừng; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, mặt nước có giá trị bảo tồn; có chính sách hỗ trợ sinh kế người dân tại vùng đệm; giữ gìn và phát huy văn hóa cộng đồng với phát triển lâm nghiệp bền vững (các phong tục bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, lễ tạ ơn, lễ cúng rừng); phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển lâm nghiệp bền vững; duy trì và nhân rộng các mô hình phục hồi rừng…
Theo ông Nguyễn Đình Phước – Đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), thông qua dự án Tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội tại Trung Trường Sơn được triển khai tại Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam cho thấy rừng được tăng trưởng trở thành rừng trung bình từ rừng nghèo và phục hồi. Dự án đã nâng cao năng lực và nhận thức cho cộng đồng, phát triển sinh kế cho 31 cộng đồng đảm bảo thu nhập từ tiền chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng; hỗ trợ người dân trồng mây, gừng gió, nghệ đen dưới tán rừng, một mặt tạo tiền đề tăng thu nhập, mặt khác không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn cải thiện nâng cao chất lượng rừng.
“Thực tế để người dân tham gia bảo vệ rừng được tốt thì phải tạo sinh kế bền vững cho họ, khi họ thấy được lợi ích kinh tế từ việc tuần tra, trồng và bảo vệ rừng thì mới có động lực tích cực tham gia quản lý tài nguyên và thúc đẩy sự phát triển bền vững.”- ông Phước cho hay.