Biển đảo

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Thúy Nhi 27/07/2023 19:50

Chiều 27/7, tại Hà Nội, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự có Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn, các Phó Cục trưởng: Phạm Thu Hằng, Trương Hữu Trí, Nguyễn Thanh Tùng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, lãnh đạo các Phòng, Trung tâm trực thuộc Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

_mg_6083.jpg
Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nhanh chóng sắp xếp, kiện toàn bộ máy, ổn định đi vào hoạt động theo mô hình mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện Chương trình công tác của Bộ TN&MT ban hành, Lãnh đạo Cục đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng để ban hành Chương trình công tác của Cục, trong đó phân công cụ thể từng Lãnh đạo Cục chỉ đạo trực tiếp các nhiệm vụ; các nhiệm vụ được giao trực tiếp cho từng đơn vị, cá nhân chủ trì thực hiện. Các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ báo cáo định kỳ về tiến độ triển khai và Cục tổ chức họp định kỳ, đột xuất để tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong quá trình thực hiện.

anh-toan.jpg
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn phát biểu tại Hội nghị

Trên cơ sở quy định pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hiện có, cùng với chuyên môn nghiệp vụ ngày được nâng cao, Cục đã tham mưu Bộ hướng dẫn, phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; các nội dung hướng dẫn, phối hợp cơ bản đã giải quyết những mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng góp phần triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Cục được giao.

Ngoài ra, Cục đã thiết lập được cơ chế phối hợp với một số cơ quan, lực lượng liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý nhà nước của Cục thông qua việc ký quy chế phối hợp hành động trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

a-tung.jpg
Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Cục

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục đã tiếp nhận 8126 văn bản đến, trình Bộ 186 Phiếu trình, Cục phát hành 1150 văn bản đi. Trong đó, Cục đã trình Bộ trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023; đã hoàn thành lập Hồ sơ Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ để trình Hội đồng thẩm định quy hoạch; đang hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia; đã thẩm định, tham mưu Bộ ban hành 3 Quyết định giao khu vực biển, cấp Giấy phép nhận chìm ở biển, Giao khu vực biển để nhận chìm của 3 Dự án, 1 Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 203/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; triển khai thực hiện các hoạt động điều tra tài nguyên, môi trường biển, cập nhật cơ sở dữ liệu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, ông Tùng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển, hải đảo như: Việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển gặp một số bất cập khi triển khai trên thực tế; pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo còn mới, nhạy cảm, phức tạp, nhất là về giao, sử dụng khu vực biển nên quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện gặp nhiều khó khăn; Một số địa phương có biển còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo...

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ông Tùng cho biết, Cục sẽ tập trung hoàn thiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc bảo đảm chất lượng, trình các cấp có thẩm quyền.

quang-canh.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện, trình Bộ các Thông tư đảm bảo chất lượng, tiến độ; theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc hoàn thiện, trình ban hành đối với 2 Dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ; chuẩn bị tốt việc tổng kết thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đặc biệt, tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tham mưu Bộ triển khai thực hiện Chiến lược khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023.

Hoàn thiện, trình Bộ ban hành các quy trình nội bộ để đảm bảo thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển, cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam… đúng quy trình, tiến độ, làm rõ và tăng cường trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan trong giải quyết các thủ tục hành chính. Tập trung giải quyết các hồ sơ tồn đọng; thực hiện đúng các quy định pháp luật trong công tác cấp phép, thẩm định kỹ lưỡng các hồ sơ đề nghị cấp phép, bảo đảm đúng thời hạn.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát trong công tác khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân sau khi được cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, cấp giấy phép nhận chìm, giao khu vực biển; theo dõi, kịp thời tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ trong việc ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, sự cố môi trường trên biển…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ và các đơn vị trực thuộc Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận về những kết quả đã thực hiện của Cục trong 6 tháng đầu năm, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới, công tác phối hợp giữa các đơn vị của Cục với các đơn vị trực thuộc Bộ...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 6 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là ngay sau khi sắp xếp, cơ cấu tổ tổ chức bộ máy theo mô hình mới nhưng lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động của Cục đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch được giao.

Nhất trí với các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Thứ trưởng yêu cầu Cục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để tiếp tục đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển.

Đồng thời, sớm hoàn thành Dự thảo quy hoạch không gian biển và Dự thảo quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý kịp thời các hồ sơ liên quan tới giao khu vực biển…

Thúy Nhi