Môi trường

Quản lý, bảo vệ môi trường tại Sơn La: Phòng ngừa, ứng phó nguy cơ ô nhiễm

Nguyễn Nga 27/07/2023 - 08:11

(TN&MT) - Là địa phương đang trên đà phát triển, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, ưu tiên công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhờ đó, năm 2021, tỉnh Sơn La đã đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật môi trường

Để kịp thời triển khai các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào thực tiễn, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. Sở TN&MT đã phát hành 1.910 tập gấp giới thiệu Luật Bảo vệ môi trường gửi các sở, ngành, UBND cấp huyện; tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, tập huấn về BVMT, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, chất thải rắn... cho 1.000 lượt người là cán bộ, công chức các sở, ban ngành, phòng TN&MT các huyện, thành phố, công chức địa chính xã làm công tác BVMT và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

anh-trang-son-la-1.jpg
Sở TN&MT Sơn La phát động phong trào Chống rác thải nhựa, hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường 2023.

Từ năm 2022 đến nay, Sở TN&MT đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; vận hành hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua đó, đã tiếp nhận, xử lý 4 thông tin phản ánh qua đường dây nóng; triển khai 10 cuộc thanh, kiểm tra với 10 tổ chức, cá nhân; ban hành 4 quyết định xử phạt với 3 đơn vị, tổng tiền phạt trên 1,6 tỷ đồng.

Biên soạn, phát hành 600 cuốn sổ tay hướng dẫn nhận dạng các loài ngoại lai xâm hại; tác hại, biện pháp kỹ thuật để cô lập diệt trừ từng loài ngoại lai xâm hại. Phối hợp với Trung tâm truyền thông TN&MT tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường cho các bộ, ban, ngành địa phương khu vực miền Bắc tại huyện Mộc Châu; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã Báo cáo chuyên đề Luật Bảo vệ môi trường trong Hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại xã Chiềng Mai (huyện Mai Sơn) và xã Tường Phù (huyện Phù Yên); phối hợp với Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh tuyên truyền về BVMT, biến đổi khí hậu cho cán bộ cấp xã và Thanh thiếu niên tại huyện Bắc Yên...

Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về BVMT, tác hại của túi ni lông khó phân hủy, phong trào chống rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng mô hình BVMT có sự tham gia của cộng đồng; nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.

Thông qua công tác tuyên truyền, đã kịp thời phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực quản lý, kỹ năng của cán bộ các cấp, ngành thực hiện quản lý nhà nước về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu. Qua các hội nghị tập huấn, tuyên truyền còn giúp doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức, hiểu được quyền lợi, trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Chủ động cảnh báo nguy cơ ô nhiễm

Xác định phòng ngừa, ứng phó nguy cơ ô nhiễm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; 12/12 huyện, thành phố đã xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp huyện. Thường xuyên đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc cấp giấy phép môi trường, phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường. Đến nay, 100% các huyện, thành phố, các khu, cụm công nghiệp đều được hướng dẫn, đôn đốc xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường.

anh-trang-son-la-2.jpg
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác BVMT tại các cơ sở nông sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, tiếp tục đổi mới công tác quản lý môi trường, chuyển từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Sở TN&MT đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật với các cơ sở chăn nuôi; chủ động phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt do sơ chế, chế biến cà phê, các cơ sở sản xuất chế biến nông sản; thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Tập trung kiểm tra, xử lý tại các khu vực ô nhiễm gây bức xúc trong dư luận; kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong chấp hành công tác BVMT, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố ô nhiễm. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có sự cố môi trường lớn xảy ra.

Gắn trách nhiệm BVMT với trách nhiệm người đứng đầu

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Thời gian qua, Sở TN&MT đã tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực BVMT. Các văn bản ban hành đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT như Quy chế phối hợp trong công tác BVMT, Bộ Chỉ thị môi trường tỉnh...

Công tác chỉ đạo, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường được UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, giải quyết thỏa đáng các điểm nóng ô nhiễm do sản xuất, chế biến cà phê, mía đường, khai thác khoáng sản, chăn nuôi. Công tác quản lý nhà nước về chất thải, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ hiệu quả.

Đồng thời, chú trọng hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện các thủ tục, hồ sơ về môi trường, đôn đốc các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt. Phát hiện, kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực môi trường, thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục bám sát các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT. Kịp thời nắm bắt, thực hiện các quy định của các Luật khác có liên quan, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, giao thông, thủy lợi, khoáng sản...

Duy trì, nâng cao chất lượng thẩm định thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường. Chú trọng nghiên cứu khoa học, thúc đẩy, đổi mới công nghệ sản xuất và phát triển công nghệ môi trường; hạn chế phát triển mới, giảm dần các hoạt động kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm. Triển khai dự án tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh để đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao năng lực quan trắc, phân tích môi trường cho Trung tâm Quan trắc TN&MT; lắp đặt Hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục làm căn cứ theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường tỉnh.

Nỗ lực xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm khu vực đầu nguồn nước, đặc biệt do ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê, dong, sắn, chăn nuôi trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La; kiên quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Chỉ đạo UBND cấp huyện tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, gắn trách nhiệm quản lý môi trường trên địa bàn quản lý với trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường thành điểm nóng, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân.

Nguyễn Nga