Biến đổi khí hậu

Tăng sức chống chịu trước biến đổi khí hậu

Khánh Ly 27/07/2023 - 08:11

(TN&MT) - Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ đặt ra thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của quốc gia trên trường quốc tế, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Bởi vậy, ứng phó BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đã được Đảng, Chính phủ chú trọng đưa vào các quyết sách phát triển chung của đất nước.

Giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế

Trong Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, người dân Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của BĐKH. Nghiêm trọng nhất là tác động do mực nước biển dâng cao, bão và lũ lụt dọc theo các vùng trũng ven biển và đồng bằng ven sông rộng lớn của đất nước. 300 thành phố ven biển Việt Nam có nguy cơ lũ lụt, đe dọa đến hoạt động sản xuất và tính cạnh tranh.

Việt Nam là một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới, xếp hạng 127/182 quốc gia theo Sáng kiến Thích ứng Toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN) và đứng thứ 13/180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu của Germanwatch trong giai đoạn 2000 - 2019. Việt Nam cũng chưa sẵn sàng để đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan, nhiệt độ tăng và mực nước biển dâng cao (xếp hạng 91/192 theo Chỉ số sẵn sàng của ND-GAIN).

WB nhận định, nếu không thích ứng nhanh chóng và đưa ra biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai thì nền kinh tế Việt Nam cũng như các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất sẽ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề. Tính dễ bị tổn thương của các cộng đồng nghèo với BĐKH có thể đẩy khoảng 1 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030.

Trong Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24-NQ/TW), Bộ Chính trị nhấn mạnh “cần đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển”. Theo đó, ứng phó BĐKH cần phải gắn kết hài hòa với bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội.

Cùng với Thỏa thuận Paris về cắt giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, Hội nghị COP26 với các cam kết quốc tế hướng tới trung hòa các-bon hay phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng phát triển kinh tế các-bon thấp trên thế giới. Bởi vậy, để trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, quan điểm phải chủ động thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với BĐKH và tăng cường các hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính sẽ là quan điểm xuyên suốt của Việt Nam đến 2050 và cả giai đoạn sau đó.

Ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển

Theo Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050, thích ứng với BĐKH và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

anh-minh-hoa-2-.jpg

Đây là quan điểm chủ đạo rút ra trên cơ sở kế thừa Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, có một số điều chỉnh, bổ sung các điểm mới theo tinh thần quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13; Kết luận

56-KL/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Tinh thần xuyên suốt Chiến lược là ứng phó BĐKH phải được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập.

Trong giai đoạn đến năm 2050, ứng phó BĐKH là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội. Các giải pháp cấp bách sẽ được triển khai nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của BĐKH; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó BĐKH, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Theo Chiến lược, các nguồn lực sẽ được tập trung cho ứng phó với BĐKH, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường các-bon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước thúc đẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã cụ thể hóa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH để toàn dân cùng thực hiện. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để thực hiện lộ trình chuyển đổi từ mô hình phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang phát triển ít phát thải có sức chống chịu cao trước tác động của BĐKH.

Khánh Ly