Bất động sản

Giá nhà ở tại TP.HCM: Làm khó những người trẻ

Thục Vy 27/07/2023 - 08:09

(TN&MT) - Hiện tại, thị trường nhà ở dành cho người mua nhà lần đầu, nhất là những người trẻ tại TP.HCM đang đối mặt với bài toán khó. Theo các chuyên gia, phân khúc khách hàng trẻ tại đô thị lớn này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm phù hợp với tài chính và nhu cầu mua ở thật.

Giá nhà cao, lãi suất cao

TP.HCM hiện đang là điểm đến của một lượng lớn người trẻ thuộc nhóm lao động có trình độ từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo các chuyên gia, với dân số hơn 10 triệu người, trong đó, khoảng 30% dân số trong độ tuổi trẻ đang có nhu cầu mua nhà ở tại đô thị lớn này cho thấy, nguồn cầu về nhà ở là rất lớn nhưng nguồn cung nhà ở có giá bình dân vẫn còn khan hiếm. Cùng với đó, nhà ở có mức giá cao khiến việc sở hữu nhà ở lần đầu đối với những người trẻ luôn là một bài toán rất khó.

“Phân khúc căn hộ bình dân (hạng C) - loại nhà ở thương mại có giá thấp từ 2 - 3 tỷ đồng/căn tại TP.HCM là giải pháp an cư lạc nghiệp cho những người trẻ hiện đang sinh sống và làm việc tại đô thị lớn này. Vì thế, rất cần sự thúc đẩy các chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp hướng đến phân khúc căn hộ bình dân này nhiều hơn”.

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield

Chị Thúy vào TP.HCM lập nghiệp từ năm 2011. Hiện tại, mức thu nhập hàng tháng của vợ chồng chị gần 30 triệu đồng và có 500 triệu đồng gửi ngân hàng. Đầu năm 2023, vợ chồng chị Thúy quyết tâm mua nhà trả góp nhưng mất mấy tháng đi tìm nhà, vợ chồng chị gần như vô vọng vì giá nhà quá cao. Không tính các quận nội thành, giá nhà ở các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh… đã ở ngưỡng trên 35 triệu/m2. Với số tiền tích cóp được cùng mức lương khiêm tốn của hai vợ chồng, cộng với lãi suất vay ngân hàng đang ở mức cao, việc mua được nhà vẫn còn xa.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, độ tuổi từ 25 đến 35 được xem là độ tuổi có khả năng thu nhập tốt để mua nhà ở. Tại TP.HCM, nhóm khách hàng trẻ này thường nhắm đến các căn hộ nhỏ có diện tích từ 50 - 70m2 ở các khu vực ngoại ô. Tuy nhiên, nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu của nhóm khách hàng trẻ cần có để mua nhà phải từ 30 - 45 triệu đồng hàng tháng mới có hy vọng.

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho biết, hiện tại, khách hàng tiềm năng của phân khúc nhà ở bình dân, phục vụ nhu cầu ở thực đa phần đều là những người trẻ nên họ muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng. Họ đã tích lũy được một phần giá trị của căn nhà, phần còn lại dự định mua trả góp, song cánh cửa tín dụng không dễ vào được. Lý do là lãi suất ngân hàng cho vay vẫn còn cao, khiến người trong độ tuổi 25 - 35 với vốn tích lũy chưa nhiều, lo ngại rủi ro “bẫy” lãi suất.

Thiếu nguồn cung giá rẻ

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù thị trường nhà giá rẻ đầy tiềm năng, nhưng nguồn cung phân khúc này hiện không nhiều. Thị phần căn hộ từ 2 - 3 tỷ đồng tại TP.HCM thời gian qua rất ít, chiếm dưới 20% thị phần nguồn cung hiện tại và chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại ô. Với tình hình hiện tại, người trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lựa chọn phù hợp về nhà ở; đồng thời, chi phí sống tại TP.HCM ngày càng tăng cao trong khi thu nhập tăng theo không kịp. Điều này làm cho việc tích trữ thu nhập để có khả năng trả mức giá cao trở nên khó khăn hơn.

a1.-gia-nha-tphcm.jpg
Giá nhà ở và lãi suất cao đang là rào cản đối với việc mua nhà ở lần đầu của những người trẻ tại đô thị lớn như TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, hiện tại, có khoảng 50.000 người trẻ trong độ tuổi 25 - 35 tại TP.HCM đang có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, số lượng người trẻ này lại đang gặp khó trong việc mua được nhà tại đô thị lớn này. Nguyên nhân là do hiện tại, lãi suất vay quá cao, giá nhà cũng quá cao, trong khi thu nhập mỗi tháng của người trẻ lại quá thấp, vì vậy, giấc mơ mua nhà của họ sẽ không thể thành hiện thực.

Bà Giang Huỳnh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và S22M Savills TP.HCM nhận định, điều quan trọng nhất lúc này là đưa thị trường về trạng thái cân bằng giữa cung và cầu. Dữ liệu từ Savills cho thấy, điều đó chỉ có thể xảy ra từ năm 2024 trở đi, khi một số dự án về phân khúc nhà ở vừa túi tiền bắt đầu hoạt động trở lại. Điểm nghẽn lớn nhất của thị trường hiện tại là vấn đề pháp lý dự án. Khi điểm nghẽn đó được giải quyết, thị trường bất động sản sẽ từ từ hồi phục và phát triển.

Nhìn ở bức tranh rộng hơn, bà Giang Huỳnh cho rằng, nguyên nhân chính là sự không cân đối giữa nguồn cung - nguồn cầu, cùng với việc chi phí sống tăng cao so với mức thu nhập. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các nhà phát triển dự án bất động sản và các bên liên quan trong việc tăng cường nguồn cung nhà ở với mức giá phù hợp, đồng thời giải quyết vấn đề về địa điểm và diện tích đất để phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ này.

Thục Vy