Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023) - Những bông hoa bất tử
(TN&MT) - Người ta thường nói về những ngã ba với ngụ ý do dự, trù trừ. Nhưng ở đây - Ngã ba Đồng Lộc - nơi được tạc vào lịch sử bởi mồ hôi, nước mắt và máu xương của dân tộc Việt Nam, trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở ngã ba này, chỉ có một lựa chọn duy nhất mang tên: Con đường giải phóng.
Nhìn vào bản đồ địa lý, Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao điểm của Quốc lộ 15B và tỉnh lộ 2. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất hẹp chưa đầy 1 cây số vuông nằm lọt giữa ba ngọn núi thấp (Mòi, Mác và Trọ Voi), rất khó khăn cho mở đường tránh khi tuyến chính bị đánh phá; khó bố trí các trận địa pháo do một bên là đồi núi trọc, một bên là đồng trũng. Trên toàn tuyến Quốc lộ 15 qua địa bàn Hà Tĩnh, đây được cho là nơi hiểm yếu nhất. Hơn nữa, do nằm ở vùng bán sơn địa nên có nhiều ngầm và cầu cống nhỏ, khi bị bom đạn đánh phá, dễ bị chia cắt, việc khắc phục hậu quả và bảo đảm giao thông, vận tải càng trở nên khó khăn, gian khổ gấp bội phần.
Kể từ cuối tháng 4/1965, khi tuyến chi viện trên Quốc lộ 1A bị bom đạn địch cắt đứt hoàn toàn, toàn bộ hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam của ta đều phải qua Quốc lộ 15, Ngã ba Đồng Lộc trở thành đầu mối giao thông quan trọng của các tuyến đường phía Tây tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây có thể mở rộng giao thông theo các hướng để đảm bảo phục vụ chiến trường trong điều kiện giao thông vận tải ở đồng bằng đã bị cắt đứt…
Phát hiện vị trí chiến lược và hiểm yếu của Ngã ba Đồng Lộc, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá với cường độ hủy diệt hòng biến nơi đây thành “tọa độ chết”. Hồi ký của viên tướng chỉ huy hạm đội 7 Mỹ từng quả quyết rằng: “Phải cắt đứt điểm yết hầu Ngã ba Đồng Lộc Bắc Việt mới hết đường chi viện cho chiến trường miền Nam”. Trong nhiều tài liệu nghiên cứu về chiến tranh ở Việt Nam của các chuyên gia quân sự nước ngoài cũng cho thấy, Ngã ba Đồng Lộc là quân cờ quan trọng trong nước cờ chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ mà một trong những mục tiêu lớn là dùng không quân đánh phá hậu phương miền Bắc và các tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có vùng cán xoong trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Vì thế, trong các năm 1965 - 1968, đế quốc Mỹ đã mang hàng vạn tấn bom đạn điên cuồng trút xuống Đồng Lộc, ước tính mỗi mét vuông đất đã phải hứng chịu trên 3 quả bom tấn; Và chỉ tính riêng 240 ngày (từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1968), Mỹ đã ném hơn 48.000 quả bom các loại hòng cắt đứt tuyến chi viện của ta.
Nhưng đạn bom của giặc Mỹ đã không ngăn được lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam. Để đảm bảo cho tuyến giao thông huyết mạch thông suốt phục vụ chiến trường miền Nam, ta đã tăng cường các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong cho Đồng Lộc, có thời điểm, lực lượng lên tới 16.000 người, với 974.240 lượt ngày công phục vụ chiến đấu, san lấp hố bom. Với phương châm “Địch phá một ta làm mười”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, cùng với quân dân cả nước, Hà Tĩnh đã huy động tổng lực về sức người, sức của, tháo dỡ hàng ngàn ngôi nhà ở của dân để lót đường cho xe ra tiền tuyến; vừa sẵn sàng chiến đấu vừa giữ vững giao thông.
Trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng kiên cường, tên tuổi của các anh các chị đã gắn liền với núi sông, đi vào lịch sử giữ nước như những huyền thoại. Đó là “Người con gái Sông La” La Thị Tám - chiến sỹ tự vệ giao thông hiên ngang đếm từng loạt bom rơi và lăn xả vào nơi nguy hiểm để cắm tiêu báo hiệu; là Anh hùng Vương Đình Nhỏ - Đội trưởng đội rà phá bom mìn; là Anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn - Tiểu đội trưởng Tiểu đội cảnh sát giao thông ngày đêm đội mưa bom, bão đạn phân luồng cho từng đoàn xe ra tiền tuyến; là 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4 Tiểu đội cảm tử, Đại đội 552, Trung đội 55 Thanh niên xung phong.
Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Hà Thị Xanh, Trần Thị Hường, Trần Thị Rạng, Võ Thị Hà - họ đều là những người con của Hà Tĩnh, tuổi từ 17 đến 24 làm nhiệm vụ quan sát trận địa, đếm bom, kích nổ và san lấp hố bom để không đứt mạch giao thông. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn đã không làm khuất phục ý chí anh hùng, ngày cũng như đêm, dưới bàn tay của những Thanh niên xung phong, từng đoàn xe nối nhau ra mặt trận. Cao điểm trong ngày 24/7/1968, các chị đã thường xuyên có mặt tại khu vực địch vừa ném bom để thông đường cho xe đi qua. Sau những lần bị bom vùi lấp, những thanh niên cảm tử lại tiếp tục làm nhiệm vụ dù biết hy sinh có thể cận kề. 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày đã dội trúng nơi các chị đang làm nhiệm vụ. 10 đóa hoa cảm tử của Đồng Lộc đã anh dũng hy sinh, cùng hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ góp phần viết nên bản hùng ca Đồng Lộc máu và hoa.
*** Về thăm lại Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, chắc những người con đã từng đội mưa bom, bão đạn thời ấy sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của Đồng Lộc xưa. Những ngọn đồi cằn trơ sỏi đá, chi chít hố bom năm xưa, bây giờ đã lợp kín những mùa hoa trái. Dưới chân những đồi thông xanh là làng nối làng, ruộng nối ruộng trải dài. Từ một vùng đất hoang tàn trong chiến tranh, giờ là cả một quần thể khu di tích lịch sử được xây dựng khang trang với những công trình hiện đại. Tháp chuông, Tượng đài chiến thắng, Đền thờ, vườn hoa và Đài tưởng niệm Nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ Thanh niên xung phong hy sinh trên toàn quốc và Khu mộ 10 liệt nữ Thanh niên xung phong…
Tròn 55 năm trôi qua, những người đồng đội cùng thời với các chị thủa ấy giờ đã ở vào tuổi 70 - 80, nhưng mỗi dịp tháng 7 về, vẫn cố gắng trở về chiến trường xưa để sống lại ký ức những ngày chia ngọt sẻ bùi, chung lưng chia lửa, để ngắm những gương mặt đồng chí đồng đội thân yêu đã vĩnh viễn hòa vào đất Mẹ khi tuổi mới đôi mươi.
Vẫn còn đây tiếng cười con gái vang dội một cung đường. Còn đây tiếng hát mở đường át tiếng bom. Còn đây những kỷ vật thanh xuân. Còn đây lá thư gửi mẹ đầy xúc động của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con…”.
Bởi có những trái tim thanh xuân đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng nên nhắc đến những con đường ở Ngã ba Đồng Lộc là nhắc đến con đường của lứa tuổi hai mươi - Con đường duy nhất chỉ có một lối rẽ mang tên Tổ quốc.
Trong bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc”, nhà thơ Huy Cận đã từng nói, trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba, trong đời mỗi người cũng có những ngã ba quyết định, cũng như trong lịch sử mỗi dân tộc đều có những ngã ba vận mệnh. Nhưng, ông cũng quả quyết rằng, trong chặng đường bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, càng vào những thời khắc gian nguy thì lý tưởng, nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc càng sáng lên rực rỡ và không gì lay chuyển. Lý tưởng ấy, nhiệt huyết ấy, tình yêu ấy mãi mãi là vĩnh cửu, bởi đã được xây đắp bằng những bông hoa bất tử mà 10 cô gái Đồng Lộc là một trong nhiều minh chứng sống cho sự bất tử này.