Xã hội

Làm giàu từ … hương vị làng quê

Thu Thủy 26/07/2023 - 15:22

Những cú hích mạnh mẽ từ các chính sách hỗ trợ, chương trình OCOP đã tạo tiền đề cho làng nghề làm Miến gạo Thăng Long (Thanh Hóa) có những bước tiến đột phát, trở thành điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Hàng chục năm qua, làng Tân Giao thuộc xã Thăng Long, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) vẫn thường được người dân xứ Thanh nhắc đến như cái nôi của nghề làm miến với chất lượng thơm ngon ít nơi nào sánh được.

Đến với Tân Giao những ngày hè tháng 7, điều làm chúng tôi ấn tượng không phải là những con đường bê tông sạch đẹp kéo dài đến từng thôn xóm mà là nhịp sống sôi động của bà con nơi đây. Bất chấp cái nắng như đổ lửa của miền Trung, khắp các làng nghề chúng tôi đều bắt gặp người dân hăng say lao động. Ngoài đồng, ngay từ khi mặt trời le lói, tôi đã thấy các bà, các chị tần tảo phơi miến trên các phên tre ở giữa cánh đồng, sân vườn, đường đi, hình ảnh những sợi miến đung đưa trong gió tạo nên một khung cảnh thiên nhiên làng nghề rất đỗi thân thương mà thấm đượm tình quê.

1.jpg
Nghề sản xuất miến gạo có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn xã Thăng Long

Đi vào trong làng, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp những xe miến đầy ắp, được đóng gói, kiểm định chất lượng, đang lăn bánh chuẩn bị đến với các chợ, các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hai bên là những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ, đây là những thành quả ngọt ngào sau nhiều năm cần mẫn phát triển, làm giàu từ chính ngành nghề làm miến truyền thống của người dân xã Tân Giao.

Hình ảnh người dân thôn quê Tân Giao chăm chỉ lao động, làm miến, phơi miến đã là một nét đặc trưng nổi bật của một làng nghề nổi tiếng, trở thành một phần cuộc sống, gắn bó của rất nhiều người nơi đây, trong đó có gia đình ông Trương Hữu Hoa Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất Miến gạo Thăng Long, gia đình ông Hoa là một trong những hộ có nhiều năm gắn bó lâu với nghề sản xuất miến gạo. Hàng chục năm qua, đều đặn mỗi ngày, vợ chồng ông Hoa vẫn cần mẫn thức khuya dậy sớm để làm ra những sợi miến gạo. Bận bịu và tất bật nhất vẫn là vào dịp cuối năm, khi mà mọi quỹ thời gian đều được gia đình dồn vào việc làm miến để kịp hàng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết.

2.jpg
Nghề làm miến đem lại thu nhập ổn định cho người dân xã Thăng Long

Ông Hoa tâm sự: “Tôi lớn lên ở làng quê rồi lại gắn bó với nghề làm miến này đến nay cũng mấy chục năm. Có lẽ cái chất nông dân làng nghề đã ngấm vào tôi từ những ngày còn nhỏ, thế nên tôi luôn “đau đáu” trong lòng dự định về cách phát triển nghề làm miến sao cho đạt được hiệu quả kinh tế lại vừa đảm bảo được chất lượng, an toàn thực phẩm. Do đó vào năm 2002, để tìm hiểu về cách làm miến gạo, bản thân tôi đã đi học nghề 02 tháng tại làng Sen, xã Đan Phượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Sau khi học nghề về địa phương gia đình tôi đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư mua sắm máy móc, làm nhà xưởng phục vụ cho công việc làm miến. Tôi sau khi học hỏi tích lũy kinh nghiệm từ các làng nghề khác đã nghiên cứu chia sẻ những kiến thức làm miến trong quá trình sản xuất cho mọi người dân, chỉ mong sao cả làng ai cũng có kinh tế ổn định hơn”.

Sau khi lắng nghe những tâm sự hòa lẫn với một chút niềm vui về sự thành công, khát vọng vươn lên làm giàu từ nghề làm miến của gia đình ông Hoa. Chúng tôi tiếp tục được ông Mạch Văn Thự, Chủ tịch UBND xã Thăng Long dẫn đến các nhà xưởng làm miến được đầu tư các máy móc hiện đại, áp dụng quy trình sản xuất khoa học, đảm bảo chất lượng.

3.jpg
Học tập, nghiên cứu và đầu tư máy móc phục vụ sản xuất miến

Trên chặng đường dẫn chúng tôi đi, ông Thự trải lòng: “Nghề làm miến Thăng Long có được như ngày hôm nay đó là từ sự nỗ lực rất lớn của cả người dân và chính quyền địa phương. Thật ra, làng Tân Giao trước đây đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, diện tích đất canh tác ít, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, người lao động có xu thế đi làm ăn xa để có thêm thu nhập, để lại phía sau một loạt các vấn đề xã hội như người già, trẻ nhỏ không có người chăm lo, nhà cửa, ruộng vườn thiếu người chăm sóc. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, người dân làng Tân Giao thậm chí chỉ có 2 hộ du nhập nghề làm miến gạo và duy trì nghề để phát triển kinh tế”.

Ông Thự cũng cho biết thêm: Tiềm năng của địa phương với hơn 750 ha đất sản xuất lúa, do đó luôn sẵn nguồn nguyên liệu (gạo tẻ) để sản xuất miến. Xét thấy nghề làm miến gạo sử dụng lao động chính trong gia đình và có thể tận dụng lao động phụ, Ban công tác mặt trận làng đẩy mạnh vận động, khuyến khích định hướng cho người dân học nghề, gắn bó và phát triển nghề miến gạo, vừa đảm bảo thu nhập về kinh tế và giúp người dân trong làng “ly nông nhưng không ly hương”.

mien-3.jpg
Chương trình OCOP là "đòn bẩy" giúp miến gạo Thăng Long vươn tầm

Qua thời gian, đến nay số hộ làm miến gạo tại thôn tăng dần lên hơn 50 hộ, đến năm 2016 đồng Làng nghề miến gạo Tân Giao đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề tại Quyết định số 612/2016/QĐ-UBND ngày 22/02/2016.

Bên cạnh đó, trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ xã Thăng Long cũng như Đảng bộ huyện Nông Cống luôn chú trọng việc duy trì và phát triển làng nghề, điều đó đã thể hiện trong các Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ, Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện và các Nghị quyết của HĐND huyện, trong kế hoạch, phương hướng công tác năm của UBND huyện cũng như các Đoàn thể chính trị xã hội. Địa phương đã có nhiều chính sách tích cực nhằm duy trì và phát triển làng nghề miến gạo của địa phương, xác định đây là một nghề độc đáo đem lại lợi ích cho nhân dân cho sự phát triển kinh tế xã hội góp phần đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội cho địa phương.

mien4.jpg
Việc xây dựng phát triển thương hiệu Miến gạo Thăng Long đã có định hướng và chiến lược rõ ràng

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nghề sản xuất miến gạo có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho một số bộ phận gia đình làm nghề tại thôn Tân Giao nói riêng và trên địa bàn xã Thăng Long nói chung. Đồng thời, sản phẩm miến gạo đã khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Theo tính toán của HTX Dịch vụ sản xuất Miến gạo Thăng Long, cho thấy, sau khi được công nhận OCOP 3 sao, trung bình 1 tháng, HTX xuất ra thị trường khoảng 60 tấn miến, gấp đôi so với trước đây. Cùng với đó, trước đây, 1 hộ làm miến chỉ cần 2-3 lao động thì giờ phải cần gấp đôi nhân công để làm các công đoạn như cắt miến, đóng bao bì... Sản lượng lớn, giá cả ổn định, theo đó thu nhập của người lao động cũng tăng từ 2-3 triệu đồng/người/tháng lên khoảng 7-9 triệu đồng/người/tháng... Đồng thời, cũng nhờ sức lan tỏa của chương trình OCOP, mà hơn 200 lao động tại thôn Tân Giao có việc làm, thu nhập ổn định.

Thu Thủy