Bắc Kạn: Đào tạo nghề giúp nhiều lao động nông thôn thoát nghèo
(TN&MT) - Xác định công tác đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm là một trong những giải pháp để giảm nghèo một cách hiệu quả, bền vững, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong tư vấn, giới thiệu tạo việc làm ổn định cho người nghèo.
Các chương trình đào tạo nghề thiết thực
Là một tỉnh miền núi, Bắc Kạn gặp khá nhiều bất lợi để phát triển kinh tế - xã hội như cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, ruộng đất manh mún, số lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm tới 75%, tỉ lệ người lao động chưa qua đào tạo và làm nông nghiệp cao… Tuy nhiên, với sự phối hợp đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh Bắc Kạn đã thu được những thành quả đáng kể trong việc giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, giúp người dân thoát nghèo bền vững, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dịch bệnh Covid-19 phức tạp và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động, Bắc Kạn đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cần. Qua đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn được nguồn nhân lực ngay từ đầu vào và kiểm soát chương trình, nội dung đào tạo bảo đảm chất lượng theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.
Các nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh, trong đó tập trung vào đối tượng học sinh các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các hoạt động truyền thông, tư vấn định hướng nghề nghiệp qua nhiều hình thức khác nhau như tư vấn trực tiếp học sinh, qua phụ huynh học sinh, phát thông báo tuyển sinh trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh... Mỗi năm, tỉnh đã tuyên truyền, tư vấn việc làm cho 3.000 học sinh tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn và trên 500 lượt phụ huynh, giáo viên các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông được nghe tư vấn.
Hiện nay, Bắc Kạn đã có 19 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 1 trường cao đẳng, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 3 doanh nghiệp và 3 cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước khẳng định được vị thế và uy tín trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Theo bà Hà Thị Liễu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã điều tra, khảo sát từ nhu cầu học nghề của người lao động đến năng lực dạy nghề của các cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động của cơ sở sản xuất, kinh doanh để xây dựng đề án dạy nghề sát thực tế. Trong đó, chú trọng nghề phù hợp với trình độ, khả năng, thế mạnh của người dân và địa phương, quan tâm tới các đối tượng chính sách, các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo đó, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 25.000 lao động ở nông thôn mà chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt 42%. Chính lực lượng lao động đã qua đào tạo này đã và đang góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Sau học nghề, có hơn 80% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất; có hơn 70% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương; đồng thời góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động, phát huy hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. tổ chức đào tạo nghề mây tre đan cho người lao động góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho
Đặt ra mục tiêu cụ thể
Năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2% - 2,5%, từ 24,71% xuống còn 22,22%, số hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 18.235 hộ, giảm 2.046 hộ. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai 7 dự án, với tổng kế hoạch vốn trên 236 tỷ đồng, trong đó có Dự án 4 là phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Để triển khai thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; chú trọng tuyên truyền cho người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ quan liên quan phát triển đa dạng hình thức giao dịch việc làm, tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin thị trường lao động; tổ chức phiên giao dịch việc làm, Ngày hội việc làm để định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động, nhất là lao động nghèo có thêm cơ hội tiếp cận công việc phù hợp với khả năng của bản thân, tạo thu nhập cho gia đình, từ đó góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.