Làm giàu trên mảnh đất quê hương
(TN&MT) -Vùng quê xứ dừa được biết đến như một đảo ngọc giữa dòng sông với vẻ đẹp bất tận của tình đất, tình người...cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của BĐKH khi ngập mặn lan rộng những năm qua... Vị mặn chát của muối len lỏi vào từng mạch đất, gieo cái đói nghèo khi mùa màng thất bát. Song với ý chí của miền đất anh hùng, người dân Bến Tre đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình...
Như đã hẹn từ trước, mới đây, chúng tôi quay trở lại nơi làng biển Bến Tre để gặp ông Văn Lộc Bảy ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ông Bảy được biết đến là người gắn bó lâu đời với nghề truyền thống sản xuất muối, và chính ông cũng đã tận dụng phần đất này để luân canh nuôi cá, nuôi tôm, cua vào mùa mưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện được đời sống gia đình.
Mặc dù đã biết một số thông tin về ông, nhưng khi đến nhà là ông lấy ngay xe máy đưa chúng tôi ra tận ruộng muối để cảm nhận thực tế sự vất vả của đời sống diêm dân. Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh ruộng muối, ông Bảy cho biết: “Bảo Thuận là vùng đất có truyền thống lâu đời nghề làm muối. Ở vào độ tuổi gần 60, tôi đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề này. Lẽ ra, tôi có thể nghỉ ngơi nhưng vì niềm đam mê với nghề nên vẫn tiếp tục giữ được nghề truyền thống. Vì thế, dù có nhiều kinh nghiệm, nhưng tôi luôn chịu khó, học hỏi và tìm hiểu thêm phương thức làm mới để sản xuất mang lại hiệu quả cao”.
Theo ông Bảy, với diện tích đất muối gần 01 ha của gia đình, năm qua, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ muối nền đất sang sản xuất muối trải bạt. Mặc dù thị trường muối thời gian qua giá cả bấp bênh, nhưng mô hình sản xuất muối sạch năm nay của ông cũng như các hộ dân nơi đây đã cho năng suất tương đối cao. Với giá cả hiện tại, ông Bảy tính toán lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ thu hoạch muối sạch, cao hơn so với việc sản xuất muối thông thường.
Trong câu chuyện, ông Bảy kể cho chúng tôi nghe về nghề sản xuất muối nơi đây chỉ làm được vào mùa khô, còn mùa mưa thì ruộng muối phải bỏ trống. Vì vậy, ông đã tận dụng phần đất này luân canh nuôi cá, nuôi tôm, cua vào mùa mưa. Theo chia sẻ của ông, điều khó khăn nhất đối với nghề nuôi tôm, cua hiện nay là môi trường rất xấu, liên tục thay đổi. Chính nhờ biết ứng dụng các kinh nghiệm nuôi trồng nhiều năm đã góp phần giúp gia đình của ông Bảy cũng như người dân nơi đây cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Chia tay với ông Bảy khi mặt trời vừa lên khỏi đỉnh đầu giữa trưa hè nắng gió, chúng tôi vượt qua quãng đường gần 20km và bắt phà sang sông Hàm Luông tiếp tục tìm gặp những người nông dân “chân đất” đã tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ của quê hương để áp dụng mô hình sản xuất mới. Thời gian qua, người dân vùng ven biển Bến Tre luôn chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn nên cây lúa cho hiệu quả thấp. Từ đó nhiều bà con đã phát triển mô hình lúa – tôm thích ứng BĐKH, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lưu Văn Lành (xã An Điền, huyện Thạnh Phú) cho biết, gia đình anh có gần 2ha đất nông nghiệp nằm gần giáp cửa sông ra biển. Những năm gần đây, tình hình nước mặn xâm nhập diễn ra ngày càng phức tạp nên anh và những người nông dân nơi đây đã chuyển đổi sang mô hình “con tôm ôm cây lúa” bước đầu đã cho thấy nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác, giúp tăng thu nhập cao hơn so với trước đây.
Còn trong chuyện kể của mình, ông Phan Văn Chí (xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú) chia sẻ, trước đây gia đình ông chỉ làm lúa 01 vụ vào mùa mưa, còn những tháng nắng thì bỏ đất trống chẳng thu hoạch được gì. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, giờ đây toàn bộ diện tích gần 01ha ông cho đào đất xung quanh để làm bờ bao và chỉ chừa phần giữa ruộng trồng lúa, còn lại thì nuôi thủy sản theo mô hình lúa – tôm.
“Việc làm này tuy lời không nhiều nhưng bền vững do giữa con tôm, cua và cây lúa hỗ trợ cho nhau phát triển. Sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân sẽ cho nước vào để nuôi tôm sú, cua. Khi đó, nguồn rơm, rạ sẽ là thức ăn cho tôm, cua nên đỡ tốn tiền thức ăn. Cây lúa có nguồn phân từ tôm, cua nên không cần phải tốn phân bón. Cả hai sản phẩm thủy sản và lúa đểu bảo đảm sạch nên bán được giá cao hơn”, ông Chí vui vẻ nói.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được được biết mô hình lúa - tôm được ngành chức năng Bến Tre khẳng định là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Đây là mô hình luân canh khép kín, áp dụng với mục đích sử dụng đất và nước thuận theo môi trường tự nhiên và canh tác phù hợp trong điều kiện BĐKH. Mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực đối với môi trường xung quanh. Qua đó, giữ vững và mở rộng thương hiệu lúa gạo sạch của địa phương, từng bước hướng đến xây dựng một nền sản xuất hàng hóa sạch, thích ứng với BĐKH, giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững.
Theo ngành Nông nghiệp huyện Thạnh Phú, địa phương có khoảng 6.000ha đất sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Gần đây mô hình này phát huy hiệu quả cao và thích ứng với điều kiện BĐKH và tự nhiên của địa phương. Cứ trung bình 01ha nông dân thu lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Trong đó, sản phẩm lúa và thủy sản đều sạch, chất lượng cao nên không đủ để tiêu thụ. Hiện tại, các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn đã liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng lúa sạch, lúa đạt chuẩn hữu cơ xuất khẩu.
Còn với ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thì cho rằng, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo và triển khai sâu rộng nội dung Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH đến toàn hệ thống chính trị của tỉnh. Trong đó, luôn nhất quán trong nhận thức và lãnh đạo thực hiện công tác ứng phó với BĐKH, đồng thời xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm cho phát triển bền vững của địa phương. Tỉnh Bến Tre đã nghiên cứu, ứng dụng các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để thay đổi tư duy trong sản xuất; từng bước hình thành và phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH.
Qua thực tế từ những lời tâm sự chân tình của bà con, cũng như tận mắt chứng kiến những kinh nghiệm sản xuất thuận thiên, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương đã phát huy hiệu quả và bền vững, chúng tôi cảm nhận được điểm khác biệt tạo nên thành công trong làm kinh tế của người dân xứ biển Bến Tre, đó là sự cần cù, siêng năng, ham học hỏi; và cho dù cuộc sống đã khấm khá, có của ăn của để nhưng người nông dân nơi đây vẫn luôn chú trọng củng cố nền tảng kinh tế vững chắc, mở rộng sản xuất, quyết vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình.